Vũ khí Chú Sam “đấm lưng” quân Mỹ trên chiến trường Việt Nam

VietTimes -- Những sự cố "hỏa lực thân thiện" do các phương tiện hỏa lực tấn công nhầm vào bộ binh Mỹ trong chiến tranh Việt Nam thường khá tồi tệ, gây thương vong với số lượng lớn. Sai lầm luôn diễn ra, cùng với cái chết của hàng loạt binh sĩ Mỹ trong cuộc chiến tranh xâm lược này.




Trực thăng Mỹ bay yểm trợ hỏa lực cho bộ binh trên cánh đồng Việt NamTrực thăng Mỹ bay yểm trợ hỏa lực cho bộ binh trên cánh đồng Việt Nam



Pháo binh dội lửa thân thiện xuống đầu bộ binh

Pháo binh đứng vị trí thứ hai trong nguyên nhân gây ra các sự cố bi thảm của “hỏa lực thân thiện”. Tối ngày 11.09.1966 trận địa phòng ngự của đại đội B thuộc tiểu Đoàn 1, trung đoàn 5 Bộ Binh, sư đoàn 25 Mỹ đóng quân tại tỉnh Hậu Nghĩa (cũ) bị trúng 15 quả đạn, được bắn từ một khẩu đội lựu pháo 105-mm của Mỹ.

Mặc dù mật độ đạn rơi trúng rất lớn nhưng tổn thất ở mức tối thiểu - một chết, bị thương, trong số này một binh sĩ bị thương quá nặng đã tử vong. Ngày 28.09.1967, hai quả đạn pháo 175 mm của Mỹ đánh trúng căn cứ Gio Linh phía nam khu phi quân sự. Hai lính thuỷ đánh bộ Mỹ chết tại chỗ và ba binh sĩ khác bị thương.

Ngày 29.01.1969 trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, đại đội G thuộc tiểu đoàn 2, trung đoàn 26, sư đoàn Lính thủy đánh bộ trúng hỏa lực "thân thiện" từ loạt đạn súng cối 81mm Sự cố đã làm 5 binh sĩ thiệt mạng và 8 người bị thương.

Tháng 01.1967, trong chiến dịch Cedar Falls, có ít nhất ba sự cố "hỏa lực thân thiện" xảy ra có nguyên nhân từ pháo binh, sự cố tồi tệ nhất xảy ra vào ngày 13.01. Các khẩu đội thuộc tiểu đoàn 8, trung đoàn Pháo binh số 6, đã nhầm lẫn tọa độ trận địa với tọa độ của mục tiêu, các khẩu đội đã bắn khoảng 10 quả đạn 155-mm vào vị trí của Đại đội A thuộc tiểu đoàn 1 trung đoàn 28, sư đoàn bộ binh số 1. Vụ pháo kích đã làm 8 binh sĩ Mỹ chết và 34 người khác bị thương.

Các chiến hạm của Mỹ cũng tham gia chi viện hỏa lực yểm trợ cho lực lượng bộ binh Mỹ, hỏa lực pháo hạm không phải lúc nào cũng luôn luôn chính xác. Đêm 21.08.1965 một quả đạn pháo hạm rơi trúng vị trí của tiểu đoàn 2, trung đoàn 7, sư đoàn 1 Lính thủy đánh bộ, khi ấy đang tham gia chiến dịch Starlite. Quả đạn bay lạc này đã làm thương nặng hai lính Mỹ, sau đó cả hai đều tử vong.

Những trường hợp pháo binh "đấm lưng" bộ binh của quân đội Mỹ vẫn tiếp tục cho đến khi Mỹ chấm dứt các hoạt động quân sự trên bộ. Tiểu đoàn 3 thuộc trung đoàn bộ binh 21, Lữ đoàn bộ binh nhẹ số 196, là đơn vị bộ binh cuối cùng của Mỹ rời Việt Nam, chỉ một tháng trước khi lên tàu về nước cũng gặp một sự cố hỏa lực thân thiện. Ngày 07.07.1972, một loạt pháo bất ngờ bắn trúng vị trí phòng thủ ban đêm của của đại đội A. Vụ pháo kích "đấm lưng" làm chết 3 người và 10 người khác bị thương.

Xe tăng "đấm lưng" bộ binh
Vũ khí Chú Sam “đấm lưng” quân Mỹ trên chiến trường Việt Nam - ảnh 1Xe tăng Mỹ tham gia một trận càn trong chiến tranh Việt Nam

Việc sử dụng xe tăng tham gia tấn công ở Việt Nam khá hạn chế do rất dễ bị tiêu diệt, chính vì vậy khả năng diễn ra sự cố hỏa lực thân thiện được biết đến không nhiều. Một trong những sự cố đó xảy ra vào mùa thu năm 1966 trong trận chiến giữa Lính thủy đánh bộ và Quân Giải phóng, giành giật sườn núi Cây Tre gần khu phi quân sự.

Đại úy James Carroll, chỉ huy đại đội K thuộc tiểu đoàn 3, trung đoàn lính thủy đánh bộ số 4 có nhiệm vụ điều khiển hỏa lực của các xe tăng M48 hỗ trợ tấn công lên cao điểm 484. Cuộc tấn công ngày 04.10. Carroll tự giám sát và theo dõi hỏa lực đánh vào các trận địa của Quân Giải Phóng trước khi diễn ra cuộc tấn công thứ hai.

Nhưng vì lý do nào đó, những xe tăng tham gia trận chiến ngày hôm trước được thay thế bởi các xe tăng khác. Ngày hôm sau 05.10, Lính thủy đánh bộ Mỹ lại triển khai tấn công. Xe M48 bắn chi viện hỏa lực cho bộ binh. Hai quả đạn bay vượt qua cao điểm 484 và rơi vào một nhóm binh sĩ Mỹ trên cao điểm 400 gần đó. Vụ bắn nhầm giết chết 3 lính thủy đánh bộ, làm bị thương 10 người khác. Trong số người chết có cả đại úy Carroll. Tên của viên đại úy này được đặt cho một vị trí pháo binh James Carroll gần thị xã Cam Lộ.

Không quân tấn công bộ binh

Lực lượng không quân chiến trường Mỹ nhiều lần cứu các đơn vị bộ binh rơi vào nhưng trận chiến tuyệt vọng, có nguy cơ bị tiêu diệt. Nhưng những vụ không kích hỏa lực thân thiện cũng gây ra thảm họa. Thậm chí không quân đứng vị trí đầu bảng trong nguyên nhân gây ra các sự cố bi thảm của “hỏa lực thân thiện”
Vũ khí Chú Sam “đấm lưng” quân Mỹ trên chiến trường Việt Nam - ảnh 2Máy bay Mỹ sử dụng bom phốt pho ở Miền Nam Việt Nam

Trong trận Đắc Tô tháng 11. 1967, một sự cố nghiêm trọng đặc biệt đã xảy ra, được coi là tình huống nghiêm trọng nhất của hỏa lực thân thiện trong cuộc chiến tranh Việt Nam. Ngày 19.11, tiểu đoàn 2 thuộc trung đoàn bộ binh 503, Lữ đoàn không vận số 173 tấn công lên cao điểm 875, lao đầu vào vòng vây hỏa lực dữ dội của Quân Giải Phóng.

Đơn vị này hoàn toàn bị bao vây từ mọi phía. Tình huống càng lúc càng nguy ngập hơn, nhưng điều tồi tệ nhất xảy ra vào cuối chiều. Một chiếc máy bay Mỹ (theo những nguồn tin khác nhau, đó là chiếc A-1 "Skayreyder" hay F-100 "Super Sabre") ném 1 hoặc 2 quả bom trúng khu vực chỉ huy của một đại đội lính Mỹ, nơi thu thập lính bị thương chờ cứu hộ. Vụ không kích gây hậu quả rất lớn - 42 lính Mỹ chết và 45 người khác bị thương.

Trong số những kẻ thiệt mạng có cha tuyên úy Charles Watters, hai năm sau đó, được truy tặng Huân chương Danh dự vì có những hành động cứu được nhiều binh sĩ bị thương. Số nạn nhân trong vụ "hỏa lực thân thiện" này cao nhất trong tất cả các vụ tai nạn chiến trường.

Ngày 10.12.1966 đại đội M thuộc tiểu đoàn 3, trung đoàn 3 Lính thủy đánh bộ vượt sông Cam Lộ tại tỉnh Quảng Trị. Cùng lúc đó, một biên đội máy bay của Lính thủy đánh bộ Mỹ (theo các nguồn tin khác nhau có thể là F-4 "Phantom" II hoặc A-4 "Skyhawk") ném 6 quả bom 113 kg vào trận địa của lực lượng Quân Giải Phóng bố trí gần đó. Hai quả bom bay qua sườn núi và rơi vào vị trí lính Mỹ. Sự cố khiến 17 lính Mỹ thiệt mạng và 11 người khác bị thương.

Ngày 21.03.1967, một biên đội 2 chiếc F-100 đã ném bom nhầm vào đội hình lực lượng binh sĩ Mỹ trong chiến dịch Junction City, làm chết hai binh sĩ và 10 người khác bị thương.

Trận chiến ngày 12 .05.1966 một số đơn vị của sư đoàn bộ binh 1 sử dụng hết đạn khói trắng, thường dùng để chỉ thị mục tiêu đối phương. Do đó binh sĩ Mỹ đã sử dụng đạn khói màu tím, thường được dùng để đánh dấu bãi đáp trực thăng của Không quân Mỹ. Không hiểu rõ ý nghĩa của đạn khói, máy bay Mỹ không kích bằng bom chùm vào trận địa của tiểu đoàn 2, trung đoàn bộ binh số 28. 7 lính Mỹ thiệt mạng.

Chiến dịch Somerset Plain tại thung lũng A Shau, ngày 10.08.1968, một máy bay Mỹ nã pháo tự động và rockets vào trận địa của đại đội D thuộc tiểu đoàn 2, trung đoàn bộ binh 327, sư đoàn 101, làm chết 7 hoặc 8 binh sĩ, bị thương 50 binh sĩ khác.

Máy bay trực thăng cũng là nguyên nhân của nhiều sự cố "hỏa lực thân thiện" mặc dù bay ở độ cao thấp và tốc độ chậm. Ngày 04.06 1970, chiếc trực thăng tấn công AH-1 Cobra tấn công nhóm trinh sát dự án "Delta" trong khu vực vùng sâu vùng xa thuộc tỉnh Quảng Trị. Dự án này là hoạt động quân sự của liên quân các lực lượng đặc biệt Mỹ và chính quyền Sài Gòn, cùng tiến hành các hoạt động trinh sát – tấn công ở các khu vực có căn cứ địa của Quân Giải Phóng.

Vụ tập kích đường không của chiếc Cobra khiến 1 lính mũ nồi xanh Mỹ và 2 lính biệt kích của chính quyền Sài Gòn thiệt mạng, 20 người khác bị thương. Chiếc máy bay trực thăng thuộc một đơn vị của Sư đoàn 101, phối hợp thực hiện nhiệm vụ với dự án Delta. Trên lý thuyết, các phi công máy bay trực thăng phải biết khu vực này là có lực lượng thám báo – biệt kích, nhưng sự cố lại diễn ra ngoài ý muốn.

Rõ ràng "đội Màu Hồng" đã mất định hướng khi thực hiện nhiệm vụ không kích tự do. Đội Màu Hồng là phi đội các máy bay trực thăng được giao nhiệm vụ "săn tự do", một máy bay thực hiện nhiệm vụ phát hiện đối phương, các máy bay khác theo tọa độ mục tiêu được đánh dấu bằng khói trắng tiến hành tấn công.

Trong các đội Màu Hồng có nhiều loại máy bay trực thăng, trong đó trực thăng trinh sát OH-6 và trực thăng tấn công AH-1. Trong trường hợp trên, phi công trinh sát trên chiếc OH-6 đã phát hiện được một  nhóm có vũ trang. Do không phân biệt được đối tượng, đã bắn 1 quả pháo khói chỉ thị mục tiêu và lập tức các máy bay trực thăng tấn công.

Tình huống gặp may mắn đáng kể, khi 3 chiếc AH-1 lao xuống mục tiêu, phi công của một chiếc trực thăng kịp thời phát hiện không kích nhầm vào đồng minh và thông báo cho các máy bay khác. Cuộc tập kích lập tức dừng lại, nếu khác đi thì số lượng thương vong của lính Mỹ sẽ lớn hơn nhiều. Trong sự cố này có hai sai lầm – chiếc OH -6 lạc hướng và không nhận biết các vị trí đối phương.

Trận chiến trên cao điểm A Bia (lính Mỹ gọi là đồi Thịt Băm hay là Hamburger). Tháng 5.1969, máy bay trực thăng tấn công AH-1, phối hợp chi viện hỏa lực cho bộ binh, liên tiếp ba lần tấn công vào các vị trí của quân Mỹ. Các vụ không kích nhầm đã làm 4 binh sĩ Mỹ thiệt mạng, khoảng 50 binh sĩ khác bị thương.

Sau sự cố này, chỉ huy trưởng tiểu đoàn 3, trung đoàn bộ binh 187 thuộc sư đoàn 101, trung tá Weldon Honeycutt gửi đến sở chỉ huy lữ đoàn một bản báo cáo, trong đó nêu rõ trực thăng Mỹ đã bắn vào lực lượng bộ binh và đe dọa tấn công máy bay trực thăng Mỹ nếu không quân tiếp tục bắn nhầm. Có lẽ cảnh báo này có hiệu quả, những tình huống tương tự không còn diễn ra nữa.

Xem lai: Bao nhiêu lính Mỹ bỏ mạng vì "ta bắn mình" tại chiến trường Việt Nam

Xem tiếp: Những thảm họa với các máy bay và chiến hạm Mỹ


Trịnh Thái Bằng

https://viettimes.vn/vu-khi-chu-sam-dam-lung-quan-my-tren-chien-truong-viet-nam-82338.html

 




Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Nga "che ô" tên lửa cho Mátxcơva thế nào (video)

“Hổ Syria” tung đòn đè bẹp IS, đoạt thêm 2 cứ địa bờ đông Euphrates

Nga khiến Mỹ-NATO choáng, thay đổi ván cờ quyền lực thế giới