"Lấy lòng" Mỹ, Trung Quốc nổi giận trừng phạt Triều Tiên?


VietTimes -- Trung Quốc trừng phạt mạnh tay với Triều Tiên để có uy tín quốc tế, thể hiện "nổi giận" với thách thức từ Triều Tiên và tạo không khí cho tổ chức Đại hội XIX và chuyến thăm của Tổng thống Mỹ... Tuy nhiên, Triều Tiên vẫn có thể gây bất ngờ, Mỹ - Hàn tập trận chung răn đe.
Trung Quốc tiến hành trừng phạt mạnh tay với Triều Tiên nhằm đạt được nhiều mục đích. Ảnh: Thời báo New York.
Lý do Trung Quốc tăng cường trừng phạt Triều Tiên
Mặc dù Trung Quốc luôn kêu gọi giải quyết vấn đề Triều Tiên bằng đàm phán hòa bình với phương án do họ đưa ra, nhưng gần đây Trung Quốc đã gia tăng trừng phạt đối với Triều Tiên.
Sau khi Hội đồng bảo an Liên hợp quốc ngày 11/9 đưa ra Nghị quyết 2375 trừng phạt Triều Tiên, Trung Quốc ngày 23/9 lập tức công bố cấm nhập khẩu hàng dệt may của Triều Tiên và giảm xuất khẩu dầu tinh chế cho Triều Tiên. Sau đó 5 ngân hàng quốc doanh lớn của Trung Quốc cũng cấm mở tài khoản mới cho người Triều Tiên.
Đến ngày 28/9, Chính phủ Trung Quốc lại tuyên bố các doanh nghiệp liên doanh của Triều Tiên tại Trung Quốc phải đóng cửa trong vòng 120 ngày kể từ khi Nghị quyết 2375 được thông qua…
Đối với các động thái này, tờ Thời báo Tài chính Anh ngày 16/10 cho rằng mặc dù các biện pháp trừng phạt này của Trung Quốc hoàn toàn không bất ngờ, nhưng thái độ, thời gian thực hiện nghị quyết, mức độ trừng phạt là “chưa từng có”. Những biện pháp này còn nghiêm khắc hơn so với các hành động đạt được nhất trí của cộng đồng quốc tế; có hành động được cho là Trung Quốc đơn phương trừng phạt đối với Triều Tiên.
Sự thay đổi thái độ của Bắc Kinh thời gian qua có thể nhìn nhận trên 3 phương diện: 
Một là tầng lớp lãnh đạo ở Bắc Kinh ngày càng ý thức được vũ khí hạt nhân của Triều Tiên là một “gánh nặng” của Trung Quốc, tiếp tục kéo dài sẽ càng bất lợi cho Trung Quốc. Triều Tiên tăng cường thử hạt nhân và tên lửa đã làm cho môi trường chiến lược của Trung Quốc ngày càng xấu đi, làm cho hình tượng và uy tín của Trung Quốc trong cộng đồng quốc tế ngày càng giảm sút.
Trong khi đó, ngoại giao Trung Quốc có tư thế ngày càng “tích cực”, muốn thể hiện Trung Quốc là “nước lớn có trách nhiệm”. Bắc Kinh không áp dụng biện pháp mạnh với Bình Nhưỡng thì sẽ ảnh hưởng xấu đến hình tượng của họ, mất uy tín với quốc tế. 
Triều Tiên phát triển hạt nhân cũng tạo ra mối đe dọa to lớn cho an ninh quốc gia của Trung Quốc. Trung Quốc gặp khó khăn trong việc kiểm soát Triều Tiên, các vụ thử hạt nhân gây lo ngại về an ninh. Không giải quyết được vấn đề hạt nhân Triều Tiên thì chiến lược, dư luận và an ninh của Trung Quốc không được cải thiện. Vì vậy, Bắc Kinh không thể tiếp tục cho rằng họ không liên quan đến vấn đề hạt nhân Triều Tiên. Họ phải có hành động thực tế, tích cực phối hợp với Mỹ.
Ngày 4/7/2017, Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Hwasong-14. Ảnh: KCNA.
Hai là Bình Nhưỡng chọn thử bom H trong thời gian diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh BRICS do Bắc Kinh tổ chức. Đây là một sự “xúc phạm” đối với “quyền uy” của Bắc Kinh, do đó Bắc Kinh “không thể tha thứ”. 
Trước đó, Bình Nhưỡng cũng tiến hành thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa vào thời điểm Bắc Kinh tổ chức diễn đàn cấp cao “Vành đai, con đường”. Điều này được dư luận giải thích là Bình Nhưỡng có thái độ bất mãn đối với Bắc Kinh.
Những hành động của Triều Tiên đã khiến cho Trung Quốc – một nước lớn mất thể diện, gây thiệt hại cho lợi ích quốc gia của Trung Quốc. Trong khi đó, Bắc Kinh đang nỗ lực xây dựng hình tượng nước lớn và làm “lãnh đạo” trên trường quốc tế. Một nước nhỏ lệ thuộc vào Trung Quốc như Triều Tiên lại tạo ra thách thức cho Trung Quốc đã làm cho Bắc Kinh nổi giận. 
Bắc Kinh tăng cường trừng phạt với Triều Tiên cũng để nhắc nhở Bình Nhưỡng rằng họ đe dọa vai trò lãnh đạo của Trung Quốc sẽ nhận lấy “hậu quả nghiêm trọng”.
Ba là Bắc Kinh muốn tạo bầu không khí hữu nghị trước Đại hội XIX của Đảng Cộng sản Trung Quốc và khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đến thăm Trung Quốc, đề phòng xuất hiện các bất ngờ.
Ngày thứ ba sau khi Bắc Kinh ra lệnh đóng cửa doanh nghiệp Triều Tiên tại Trung Quốc, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đã đến thăm Trung Quốc. Chuyến thăm này nhằm làm công tác phối hợp cuối cùng cho chuyến thăm Trung Quốc lần đầu tiên của ông Donald Trump. Một trọng điểm trong chuyến thăm của ông Donald Trump chính là vấn đề hạt nhân Triều Tiên.
Đại hội XIX lần này của Đảng Cộng sản Trung Quốc có mức độ phức tạp nghiêm trọng hơn các đại hội trước, các tình huống bất ngờ có thể xảy ra trước đại hội, trong đó có vấn đề Triều Tiên. Nếu Triều Tiên tiếp tục thử hạt nhân và tên lửa trước Đại hội XIX thì sẽ làm cho Bắc Kinh khó xử. 
Nếu Mỹ bất mãn về việc Bắc Kinh trừng phạt Triều Tiên thì cũng có thể gây khó cho Bắc Kinh, vì trước Đại hội XIX Mỹ có thể mở rộng trừng phạt đối với doanh nghiệp Trung Quốc có liên quan Triều Tiên và áp dụng các biện pháp khác khiến cho Bắc Kinh không vui. Những biện pháp này sẽ làm cho tình hình trước Đại hội XIX tiếp tục phức tạp, làm trầm trọng hơn tình hình bất ổn.
Tàu sân bay động cơ hạt nhân USS Ronald Reagan. Ảnh: UDN.
Vì vậy, Bắc Kinh tích cực, chủ động tiến hành trừng phạt đối với Triều Tiên vừa qua, một mặt cảnh cáo Triều Tiên không được hành động thiếu suy nghĩ, mặt khác muốn để Mỹ thấy Trung Quốc nghiêm túc thực hiện nghị quyết của Liên hợp quốc, làm cho chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump cảm thấy hài lòng với Trung Quốc, không gây khó cho Trung Quốc, bảo đảm an ninh và ổn định chính trị trước Đại hội XIX. 
Triều Tiên có thể tiếp tục thử tên lửa vào ngày 18/10
Tình hình bán đảo Triều Tiên ngày càng căng thẳng. Phủ Tổng thống Hàn Quốc từng cho rằng Triều Tiên có thể tiến hành thử hạt nhân hoặc phóng tên lửa vào ngày thành lập Đảng Lao động Triều Tiên (10/10) hoặc ngày khai mạc Đại hội XIX của Đảng Cộng sản Trung Quốc (18/10). 
Mặc dù ngày 10/10, Triều Tiên không có hành động gì mạnh mẽ, nhưng ngày 18/10 họ vẫn có khả năng triển khai hành động. Hàn Quốc đang tăng cường đề phòng.
Theo tờ Dong-a Ilbo, Hàn Quốc ngày 14/10, vệ tinh do thám Mỹ phát hiện, ở xung quanh thủ đô Bình Nhưỡng và 3 - 4 địa điểm như tỉnh North Pyong'an ở Triều Tiên, hệ thống phóng tên lửa cơ động đã rời khỏi kho chứa. Triều Tiên có thể phóng tên lửa đạn đạo tầm trung Hwasong-12, tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Hwasong-14, thậm chí tên lửa KN-08, loại tên lửa mới sau khi đã tăng tầm phóng cho Hwasong-14.
Ngày 13/10/2017, tàu ngầm hạt nhân USS Michigan, Hải quân Mỹ đến cảng Busan Hàn Quốc. Ảnh: Arab News.
Mỹ - Hàn tập trận chung quy mô lớn để răn đe Triều Tiên
Các nguồn tin cho biết Hải quân Mỹ và Hàn Quốc đang tiến hành một cuộc tập trận chung quy mô lớn ở biển Nhật Bản và biển Hoàng Hải - những vùng biển lân cận bán đảo Triều Tiên, thời gian tập trận diễn ra từ ngày 16/10 đến ngày 20/10/2017.
Tham gia cuộc tập trận này có hơn 40 tàu chiến và các vũ khí trang bị khác. Trong đó về phía Mỹ có cụm tấn công tàu sân bay động cơ hạt nhân USS Ronald Reagan (chở khoảng 70 máy bay quân sự), tàu ngầm hạt nhân USS Michigan, lực lượng đặc nhiệm; máy bay chỉ huy liên hợp E-8, máy bay chiến đấu F/A-18, máy bay trực thăng săn ngầm MH-60R. Về phía Hàn Quốc có tàu Aegis Đại đế Sejong. 
Theo tờ Nikkei Nhật Bản ngày 16/10, để phối hợp với cuộc tập trận, các vũ khí chiến lược của quân đội Mỹ sẽ nối tiếp nhau đến tập kết ở bán đảo Triều Tiên. Cuộc tập trận chung Mỹ - Hàn lần này nhằm kiềm chế Triều Tiên.
Có nguồn tin từ quân đội Mỹ đóng tại Hàn Quốc tiết lộ, tàu ngầm hạt nhân USS Michigan đã đến cảng Busan, Hàn Quốc. Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Song Young-moo ngày 14/10 đã đến thực địa để thị sát.
Mặc dù Mỹ gia tăng gây sức ép quân sự đối với Triều Tiên, nhưng ngày 15/10, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson tuyên bố Tổng thống Mỹ Donald Trump “hy vọng ưu tiên” sử dụng biện pháp ngoại giao để giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên. Ông Donald Trump không tìm cách sử dụng biện pháp chiến tranh để giải quyết vấn đề này, mà ủng hộ các nỗ lực ngoại giao và các nỗ lực này sẽ tiếp tục. 
Theo Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Herbert R. McMaster, ông Donald Trump sẽ áp dụng tất cả các biện pháp cần thiết để ngăn chặn các cuộc tấn công của Triều Tiên đối với Mỹ. Nhà lãnh đạo Triều Tiên có thể cho rằng phát triển sức mạnh hạt nhân làm cho họ an toàn hơn, nhưng sự thực là ngược lại.
Trước đó, ngày 10/10, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết các biện pháp ngoại giao vẫn là phương thức lựa chọn hàng đầu của Mỹ trong xử lý vấn đề hạt nhân Triều Tiên. Tuy nhiên, cho dù không ai thích các biện pháp quân sự, nhưng đây vẫn là một phương án có thể áp dụng của Mỹ.
Phong Vân
https://viettimes.vn/lay-long-my-trung-quoc-noi-gian-trung-phat-trieu-tien-142213.html

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Lá chắn Mỹ "bó tay" trước tên lửa Triều Tiên?

Tin chắc Nga sa lầy Syria, Mỹ nuốt giận nhìn Mátxcơva khải hoàn chiến thắng

Kích Ukraine "tất tay" với Nga, Mỹ thúc đẩy cấp tên lửa Javenlin