Phi công Việt Nam huyền thoại khiến không quân Mỹ khiếp vía là ai?
VietTimes -- Theo National Interest, Nguyễn Tomb (hay còn gọi là Toon) là một trong những viên phi công lái máy bay tiêm kích nổi tiếng nhất của Việt Nam trong cuộc chiến tranh chống Mỹ của Việt Nam. Người anh hùng này đã trở thành huyền thoại với 13 lần bắn rơi máy bay địch và là phi công Việt Nam duy nhất xuất hiện trong trò chơi Chuck Yeager’s Air Combat của Mỹ.
Cuộc chiến tranh Việt- Mỹ ban đầu được xem là cuộc tấn công đơn phương của Mỹ vào Việt Nam vì chênh lệch lực lượng quá lớn. Hải quân và không quân Mỹ là lực lượng vũ trang mạnh nhất trên thế giới, trong khi đó Quân đội Nhân dân Việt Nam non trẻ lúc bấy giờ chỉ có vẻn vẹn 70 chiếc máy bay, tính đến gần cuối chiến tranh mới có 200 chiếc.
Tuy nhiên sự chênh lệch lực lượng này vẫn không đảm bảo cho Mỹ có một chiến thắng. Việt Nam đã nhận được nguồn trợ giúp về kỹ thuật, huấn luyện và máy bay thay thế to lớn từ phía Liên Xô và Trung Quốc.
Các phi công lái máy bay MiG của Việt Nam đã tấn công dữ dội vào lực lượng Mỹ, gây ra thiệt hại nặng nề, ngay cả với máy bay ném bom siêu âm F-105 Thunderchief.
Trong cuộc chiến kéo dài hơn hai thập kỷ đó, các đơn vị tình báo NSA của Mỹ đã phát hiện ra Nguyễn Tomb - một viên phi công xuất sắc, và đã dùng từ “ace” để nói về anh. (Trong tiếng Anh, “ace” là để chỉ phi công đã từng bắn hạ ít nhất 5 máy bay địch.)
Theo hồ sơ của NSA, Nguyễn Tomb được coi là một mối đe dọa nghiêm trọng khiến các chỉ huy cửa Lực lượng không quân số 7 Mỹ ám ảnh và quyết tâm phải bắn hạ được. Mỗi khi Nguyễn Tomb có kế hoạch bay là NSA lại cảnh báo với toàn quân.
Không quân Mỹ cũng truyền tay nhau hình ảnh chiếc MiG-17 mang số hiệu 3020 với 6 ngôi sao trên mũi, mỗi ngôi sao đại diện cho một chiếc máy bay Mỹ bị bắn hạ. Đó chỉ có thể là máy bay chiến đấu của anh hùng Nguyễn Tomb.
National Interest cho biết chiếc MiG-17 Fresco là phiên bản nâng cấp từ máy bay chiến đấu MiG-15 được sử dụng rất nhiều trong cuộc chiến tranh Triều Tiên. Đó là thế hệ sau của máy bay F-4 Phantom, máy bay chiến đấu hàng đầu mọi thời đại của Mỹ.
Trong khi máy bay F-4 bay nhanh hơn cả tốc độ Mach 2 thì MiG-17 thậm chí còn không đạt được tốc độ Mach 1. Không giống như máy bay chiến đấu MiG-21, MiG-17 không thể mang tên lửa không đối không, thay vào đó phải phụ thuộc vào hai khẩu pháo 37 mm và 23 mm. Máy bay này cũng không có bộ điều khiển thủy lực, khiến nó khó xử lý ở tốc độ cao.
Bất chấp những nhược điểm thì MiG -17 vẫn hoạt động cực kỳ tốt ở tốc độ chậm và không chiến cự ly gần. Vào những ngày đầu của cuộc chiến, F-4 bị bắt bài và tên lửa không đối không thiếu độ tin cậy. Nếu MiG-17 ở trong phạm vi chiến đấu, máy bay này sẽ dễ dàng hạ F-4, trừ khi phi công của F-4 chạy trốn.
Một tấm ảnh khác chụp được hình ảnh máy bay MiG-21 mang số hiệu 4326 và có 13 ngôi sao chiến thắng cũng được cho là máy bay của anh hùng Nguyễn Tomb vì phía Mỹ cho rằng khó có ai khác bắn hạ được nhiều máy bay như vậy.
Trận chiến cuối cùng của người anh hùng
Vào năm 1972, Mỹ mở Chiến dịch Linebacker ném bom đánh phá miền bắc kéo dài 6 tháng. Theo phía Mỹ, vào ngày 10/5, 11 máy bay chiến đấu của miền bắc Việt Nam cùng 4 máy bay F-4 Phantoms đã bị bắn hạ trong một cuộc giao chiến lớn.
Hai phi công may mắn của phía Mỹ hôm đó là Thiếu tướng Hải quân Randy "Duke" Cunningham và sĩ quan đánh chặn ngồi ở ghế sau, Thiếu tướng Junior Grade William “Irish” Driscoll. Cả hai đều tốt nghiệp trường Top Gun, trường chuyên dạy kỹ thuật chiến đấu trên không. Khi hai viên phi công này lái chiếc F-4J trong cuộc tấn công vào thì họ cũng bị các máy bay MiG-17 của Việt Nam tấn công.
Cunningham đã ngay lập tức bắn hạ một chiếc MiG-17 bằng tên lửa Sidewinder. Sau đó ông ta nhìn thấy chiến hữu đang ở trong tầm bắn của tám chiếc MiG-17. Một vài chiếc MiG-17 đang ở phía đuôi chiếc F-4 của Timm. Cunningham không thể bắn tên lửa vì tên lửa Sidewinder có thể đã bị khóa vào hai động cơ nhiệt của chiếc Phantom. Và những chiếc F-4 của Mỹ đã phải bỏ chạy và quay trở lại căn cứ.
Trong lúc đó, Cunningham chú ý có một chiếc MiG-17 đơn độc đang hướng về phía mình và quyết định tiếp cận, đó là một sai lầm chết người vì MiG-17 đã bắn pháo vào đầu chiếc Phantom khi bay ngang qua. Vì thiếu súng nên Cunningham lại điều khiển máy bay bay lên.
Chiếc MiG-17 đã bám theo chiếc F-4 của Mỹ với khoảng cách rất gần, và Cunningham đã nhận ra số hiệu 3020 trên chiếc MiG. Dù cố để cắt đuôi nhưng nhất cử nhất động của ông đều không qua được viên phi công đang lái chiếc MiG-17. Hai chiếc máy bay vờn nhau đến mức chiếc Phantom đã gần như chao đảo.
Cuộc chiến tốc độ chậm bay quần vòng như thế chính là thế mạnh của MiG-17. Tuy nhiên Cunningham vẫn nhất quyết không chịu từ bỏ cuộc đuổi bắt này.
Thay vào đó, Cunningham lại bay nhanh về phía trước hai dặm trước khi quay đầu và bay ngang qua MiG ở góc mà MiG không thể bắn lại được. Nhưng bằng một cách ngoạn mục, viên phi công điều khiển MiG đã lại nhanh chóng quay lại theo đuôi chiếc F-4. Cunningham lại quay lại lần hai, nhưng lần này, khi chiếc MiG bắt đầu theo đuôi trở lại thì Cunningham đã phanh lại và rơi lại phía sau MiG. Nhưng chiếc F-4 vẫn ở vị trí quá gần để có thể tấn công tên lửa vào chiếc MiG.
Viên phi công điều khiển chiếc MiG đã hạ độ cao đột ngột và sức nóng mà nó tạo ra giúp che mắt tên lửa. Khi MiG cách xa chiếc F-4, Cunningham đã phóng tên lửa Sidewinder. Tên lửa này đã tấn công trúng mục tiêu, chiếc MiG đã rơi xuống và nổ tung. Người ta không nhìn thấy chiếc dù nào phóng ra. Và viên phi công điều khiển, được cho là người anh hùng Nguyễn Tomb đã tử nạn, theo phía Mỹ.
Ngay sau đó, tên lửa đất đối không SA-2 cũng đã đánh trúng chiếc Phantom của Cunningham. Hai viên phi công may mắn đã hướng máy bay ra phía biển và đã được cứu hộ trên biển. Hai viên phi công này đã được được phong làm những phi công xuất sắc (ace) đầu tiên của Mỹ tại chiến trường Việt Nam.
Sau cuộc chiến ở Việt Nam, khi trở về nước, Driscoll làm giảng viên tại trường Top Gun còn Cunningham đã phục vụ 15 năm trong vai trò đại biểu đảng Cộng hòa tại California trước khi bị tống giam vì tội tham nhũng năm 2005.
Huyền thoại và điều bí ẩn
Khi quan hệ Việt- Mỹ đã bình thường hóa, nhiều nhà sử học của Mỹ bắt đầu hỏi thăm và tìm hiểu sâu hơn về viên phi công huyền thoại mà Mỹ thường gọi là Nguyễn Tomb (hay Toon).
Tuy nhiên khi được hỏi, không phi công nào của Việt Nam cho rằng mình đã từng nghe qua cái tên này, và cái tên này cũng không có mặt trong bất kỳ hồ sơ nào.
Cái tên mà các nhà sử học Mỹ đưa ra là Tomb hay Toon đều không phải là tên Việt Nam. Có thể tình báo Mỹ đã nghe nhầm là Tuân hoặc Tống. Và hầu hết các anh hùng phi công của Việt Nam đều lái MiG-21 chứ không phải MiG-17 và cũng không chuyển đổi máy bay qua lại cho nhau.
Thực tế cho thấy không có lý do nào để Không quân Việt Nam giấu giếm về người anh hùng như vậy, vì nếu có cá nhân xuất sắc như vậy chắc chắn sẽ được biểu dương. Và các phi công khác chắc chắn cũng phải nhớ đến huyền thoại này, anh không thể biến mất hoàn toàn khỏi lịch sử như vậy.
Đối với các nhà sử học Mỹ, Nguyễn Tomb không phải là huyền thoại mà là một ẩn số. Phía Mỹ cũng không chấp nhận sự bác bỏ của phía Việt Nam mà tìm các giả thuyết khác nhau để minh chứng.
Có giả thuyết cho rằng Tomb là phi công của Nga. Trong chiến tranh Triều Tiên, các phi công Nga đã đổ về các đơn vị không quân của Trung Quốc và Triều Tiên. Hàng nghìn cố vấn Nga đã đến miền bắc Việt Nam, tuy nhiên sau khi chiến tranh kết thúc, thực tế không người Nga nào nhận đã tham gia vào các cuộc không chiến ở Việt Nam.
Một giả thuyết khác lại cho rằng Tomb thực chất là hai viên phi công Đinh Tôn và Đặng Ngọc Ngự. Phi công Đặng Ngọc Ngự đã từng lập nhiều chiến thắng trên không, còn phi công Đinh Tôn nổi tiếng với xu thế tấn công đơn độc. Giả thuyết cho rằng Đinh Tôn đã lẻn vào đội hình cùng các máy bay chiến đấu Mỹ và chờ xem mất bao lâu họ mới phát hiện ra. Nhưng cả hai phi công này đều lái máy bay MiG-21 chứ không phải MiG-17, và không chiếc nào tham gia vào cuộc không chiến hôm 10/5/1972.
Một giả thuyết khác do nhà sử học Tom Cooper đưa ra, đó là Nguyễn Tomb thực ra là Lê Thanh Đạo, người anh hùng từng bắn hạ 6 máy bay Mỹ và cũng tham gia vào cuộc chiến hôm đó. Nhưng Lê Thanh Đạo cũng lái máy bay MiG-21 và không bị bắn hạ hôm đó.
Vậy ai mới thực sự là đối thủ của Cunningham vào hôm 10/5 đó? Có giả thuyết cho rằng đó là anh Nguyễn Văn Thọ, tuy nhiên phi công này vẫn sống sót sau vụ rơi máy bay, và điều này lại không phù hợp với vụ nổ mà phi công Cunningham chứng kiến.
Anh hùng Tomb thực sự là ai?
Theo một cách nói nổi tiếng của phương Tây thì: Mỹ không cần tạo ra Nguyễn Tomb vì anh hoàn toàn có thật trên đời.
Một phi công nổi tiếng của Việt Nam là Nguyễn Văn Cốc, phi công hàng đầu của quân đội Việt Nam lúc bấy giờ. Ông đã từng bắn hạ 9 máy bay địch trên không bằng máy bay tiêm kích MiG-21. Và nó mang số hiệu 4326.
13 ngôi sao tượng trưng cho 13 chiến thắng bao gồm cả chiến thắng của các viên phi công khác điều khiển chiếc máy bay này. Anh hùng Nguyễn Văn Cốc tham gia huấn luyện ở Nga để sử dụng MiG-21 khi tròn 26 tuổi. Cha và bác của ông đều tham gia kháng chiến chống Pháp và đã hy sinh.
Nguyễn Văn Cốc đã bị bắn trước khi thực hiện pha bắn hạ máy bay Mỹ đầu tiên vào ngày 2/1/1967 trong Chiến dịch Bolo, một chiến dịch phục kích trên không của Mỹ. Hôm 30/4, anh lại tiêu diệt được chiếc F-105 và sau đó lại tiêu diệt thêm 8 máy bay nữa trong tháng 12/1969 với tên lửa R-3 Atoll.
Trong số 9 vụ bắn rơi máy bay đó thì có hai chiếc là máy bay không người lái, và 6 trong số 7 chiếc còn lại đã được xác nhận trong hồ sơ của Mỹ. Điều này khiến Nguyễn Văn Cốc thành phi công hàng đầu trong cuộc chiến.
Sau đó Nguyễn Văn Cốc được rút khỏi tuyến tiền tuyến để tập trung đào tạo các phi công thế hệ sau, những người đã tham gia vào các cuộc không chiến năm 1972.
Và chiến sĩ Nguyễn Đức Soát, học trò xuất sắc của Nguyễn Văn Cốc đã giành được 6 chiến thắng.
Một phi công anh hùng khác của Việt Nam, ông Nguyễn Văn Bảy (A), cũng bắn hạ được 7 máy bay Mỹ chỉ với chiếc MiG-17 cổ lỗ (còn phi công Nguyễn Văn Bảy (B) là một trong số ít phi công tấn công được tàu Mỹ kể từ sau Thế chiến II. Ông cùng phi công Lê Xuân Dị đã thực hiện nhiệm vụ tấn công tàu USS Oklahoma City và USS Highbee của Mỹ và đã anh dũng hy sinh trong một trận không chiến thời gian sau đó).
Và cả ba anh hùng kể trên đều sống sót sau cuộc chiến.
Phi công Nguyễn Văn Cốc nghỉ hưu năm 2002. Ông Nguyễn Đức Soát là Trung tướng - Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam mới nghỉ hưu năm 2008. Ông Nguyễn Văn Bảy (A) giờ thì trồng xoài ở trang trại ngoại ô TP HCM.
Không giống như nhiều phi công Mỹ khác, nhiều phi công Việt Nam tiếp tục hoạt động cho đến khi cuộc chiến kết thúc. Những phi công giỏi nhất vẫn tiếp tục phục vụ và giành được nhiều chiến thắng trên không. Tổng cộng có 16 phi công được nhận danh hiệu phi công xuất sắc (ace).
Tóm lại đến nay Nguyễn Tomb vẫn là một bí ẩn về một huyền thoại được đối phương tôn vinh trong cuộc chiến tranh Việt – Mỹ. Trong công cuộc tìm kiếm một người anh hùng thật sự, các nhà sử gia Mỹ mới ngỡ ngàng nhận ra rằng Việt Nam thực tế có quá nhiều anh hùng tạo nên những huyền thoại như vậy.
Nhận xét
Đăng nhận xét