Ra đòn kiểu này, Nga khiến Mỹ ngồi trên lửa ở Trung Đông




VietTimes -- Kissinger từng nói: “Hòa bình chỉ có thể đạt được bằng bá quyền hoặc bằng cân bằng quyền lực". Các nước không thể giành được bá quyền thì phải cố gắng để duy trì cân bằng, kiềm chế tham vọng của đối thủ. Nga không có khả năng thay thế Mỹ trở thành bá quyền khu vực nhưng lại có đủ công cụ để gây ảnh hưởng đến cân bằng quyền lực.
Chiến đấu cơ Su-30SM Nga khai hỏa diệt mục tiều
Mới đây Nga vừa thỏa thuận sẽ bán cho Ả Rập Xê-út hệ thống phòng không hàng đầu S-400 trong chuyến thăm 4 ngày của quốc vương Riyadh tới Mátxcơva. Nhưng hầu như không có nhiều lời bàn tán về sự kiện này. Đây là điều đáng ngạc nhiên vì Iran, nước thường được coi là đồng minh của Nga trong mắt truyền thông phương Tây chỉ được mua hệ thống cũ hơn của Nga là S-300.
Không chỉ Ả Rập Xê-út mà ngay cả cựu thù thời Chiến tranh lạnh của Nga là Thổ Nhĩ Kỳ cũng sẽ mua hệ thống phòng không được đánh giá là “nhân tố làm thay đổi cuộc chơi” này. Hệ thống S-400 được cho là cực kỳ hiệu quả khi đối phó với tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo mà Iran có thể sẽ triển khai trong một vài năm tới.
Các thỏa thuận bán vũ khí của Nga cho các nước Vùng Vịnh thuộc phe đối lập cũng tương tự như hành động của Trung Quốc trong suốt thập kỷ qua. Trung Quốc bán tên lửa cho cả Iran và Ả Rập Xê-út, nhưng bán cho Ả Rập Xê-út tên lửa tối tân hơn vì nước này yếu hơn so với Iran, trong khi Trung Quốc vẫn muốn duy trì cân bằng quyền lực. Trong những tuần qua, chính sách của Nga đã chuyển sang hướng chính trị cân bằng quyền lực cổ điển.
Kissinger từng nói: “Hòa bình chỉ có thể đạt được bằng bá quyền hoặc bằng cân bằng quyền lực". Các nước không thể giành được bá quyền thì phải cố gắng để duy trì cân bằng, kiềm chế tham vọng của đối thủ. Ví dụ cổ điển nhất chính là Anh, nước từng liên minh với Phổ để đánh Pháp trong các cuộc chiến của Napoleon, sau đó lại liên minh với Pháp để chống Đức vào thế kỷ XX. Anh có thể không muốn trở thành bá quyền ở châu Âu, nên nước này đã tìm cách ngăn chặn không để Đức và Pháp chiếm ưu thế.
Nga không có khả năng thay thế Mỹ trở thành bá quyền khu vực nhưng lại có đủ công cụ để gây ảnh hưởng đến cân bằng quyền lực.
Nga quyết định bán S-400 cho một số đồng minh của Mỹ
Vào ngày 12/10, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Mikhail Bogdanov đã đề nghị làm trung gian giữa Iran và Ả Rập Xê-út, nhưng nói thì thường dễ hơn làm. Việc lắp đặt hệ thống vũ khí hàng đầu cũng vậy. Mỹ đã trao cho Ả Rập Xê-út hệ thống THAAD, có thể coi như lời đáp trả nhanh chóng trước lời mời của Nga. Theo đánh giá của Tiến sĩ Bryen, hệ thống S-400 tốt hơn THAAD và sẽ giúp cho Ả Rập Xê-út giành lợi thế trong bất kỳ cuộc xung đột nào với Iran.
Israel đối mặt những mối lo an ninh
Một nỗ lực khác của Nga nhằm tác động đến cân bằng quyền lực thể hiện ở chuyến thăm hôm 15/10 của Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu tới Jerusalem, đây là chuyến thăm đầu tiên kể từ khi ông Shoigu nhậm chức từ năm 2012 đến nay. Các kế hoạch ngừng bắn hiện nay ở Syria cho phép quân đội Iran hoạt động trong vòng 5km ở cao nguyên Golan, phía dốc hướng về miền bắc Israel mà Israel giành được trong cuộc chiến năm 1967.
Với sự trợ giúp của không quân Nga, Lực lượng vệ binh cách mạng Iran với sự hậu thuẫn của Hezbollah, cũng như lực lượng lính đánh thuê của Pakistan và Afghanistan đã trở thành bên chiếm ưu thế ở Syria, làm thay đổi cân bằng quyền lực trong khu vực theo hướng bất lợi cho Israel. Israel đã yêu cầu một vùng đệm cho lực lượng Iran cách biên giới Israel ít nhất 60 km từ hồi mùa hè năm ngoái nhưng Nga đã từ chối. Washington cũng ký vào hiệp định ngừng bắn Syria, khiến Israel bị bỏ rơi.
Israel giờ đây đang đe dọa sẽ tấn công phủ đầu. Elliott Abrams, một lãnh đạo thời chính quyền Tổng thống George W. Bush hồi tuần trước đã có lời bình luận:
“Israel đã tấn công Syria hàng trăm lần trong 5 năm qua, ném bom bất cứ khi nào nhìn thấy Iran cố đưa vũ khí công nghệ cao cho lực lượng Hezbollah ở Li-băng. Tháng trước, Israel đã ném bom vào Trung tâm nghiên cứu khoa học ở Masyaf, thành phố miền trung Syria, một địa điểm quân sự sản xuất vũ khí hóa học và bom chính xác.
Hiện nay, có nhiều báo cáo cho rằng Iran đang lên kế hoạch xây dựng một phi trường quân sự ở gần Damacus, nơi lực lượng Vệ binh cách mạng Iran có thể củng cố sự hiện diện quân sự và hoạt động. Iran và chế độ Assad cũng đang đàm phán về việc cho Iran một bến tàu tại cảng Tartus. Và Iran có thể sẽ triển khai một đội quân ở Syria".
Bộ trưởng Quốc phòng Israel Avigdor Lieberman đã cảnh báo: “Nếu chúng ta từng nói về mặt trận ở Li-băng, đến nay mặt trận đó cũng không còn. Vẫn còn mặt trận ở phía bắc. Nếu có diễn biến mới, đó sẽ là một mặt trận chung của Syria và Li-băng, Hezbollah, chế độ Assad và những người ủng hộ Assad".
Chính phủ Israel đã cảnh báo Li-băng rằng mọi cuộc tấn công vào Israel của Hezbollah sẽ gây ra một cuộc phản công dữ dội vào cơ sở hạ tầng của Li-băng. Hành động phủ đầu của Israel trước cuộc tấn công tên lửa của Hezbollah sẽ gây ra thiệt hại lớn vì tên lửa chủ yếu được đặt ở những khu vực dân cư.
Truyền thông Israel quan sát thấy việc tham vấn cấp cao giữa Nga và Israel đã trở nên thường xuyên, nhưng chủ yếu chỉ được diễn ra trên đất Nga, ví dụ như cuộc gặp hồi tháng 8/2017 của Thủ tướng Benyamin Netanyahu với Tổng thống Nga Vladimir Putin diễn ra ở Sochi. Chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Nga tới Israel cũng là một sự đồng tình trước những mối lo an ninh của Israel.
Nga can thiệp vào Syria chủ yếu là vì cuộc nội chiến ở đất nước này đã biến thành miếng mồi cho lực lượng thánh chiến từ miền Cáp-ca-dơ nước Nga đến Đông Nam Á. Sự ủng hộ dài hơi của Mỹ cho lực lượng thánh chiến dòng Sunni đã gây ra những hậu quả khó lường, giúp củng cố sức mạnh cho Al-Qaeda và IS, như Thiếu tướng Michale Flynn từng cảnh báo.
Cụm không lực Nga tại sân bay Hmeimim, Syria đã giúp đảo ngược cục diện chiến trường Syria
Chiến đấu cơ Su-33 xuất kích từ tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov trong chuyến làm nhiệm vụ tại Syria
Và thánh chiến dòng Sunni cũng đã bị đe dọa là sẽ lan đến nhóm dân cư người Hồi ở Nga, trong đó đa phần là người Sunni. Chương trình hành động của điện Kremlin rõ ràng là ủng hộ người Shiite. Mátxcơva đã đạt được nhiều mục tiêu ở Syria: chế độ Assad đã ổn định trở lại, lực lượng thánh chiến dòng Sunni đang thất thế và co lại và Nga cũng giành được thêm một số điều kiện có lợi ở Syria như các thiết bị ở hải cảng Tartus. Rõ ràng giờ đây Nga muốn các nguy cơ càng giảm thiểu càng tốt.
Cách mạng ngoại giao
Sự thật là Nga muốn quản lý cân bằng quyền lực không đồng nghĩa với việc Nga sẽ thành công. Iran không phải là một con rối của Nga nhưng lại là một đế quốc đầy tham vọng, có ý chí riêng và định hình về tương lai riêng.
Máy bay Nga cho phép Iran chiếm được một vùng đất đến tận Địa Trung hải qua Syria mà nước này 5 năm trước không bao giờ nghĩ tới, và Iran sẽ không sẵn sàng để mất cơ hội thiết lập một hành lang Shiite từ Vịnh Ba Tư qua Li-băng.
Mátxcơva có thể không có khả năng ngăn chặn chiến tranh Israel- Iran. Nga đang cố gắng duy trì chỗ đứng ngoại giao ở trong khu vực. Nga dường như làm ngơ trước việc người Kurd ở Iraq tổ chức trưng cầu dân ý đòi độc lập. Thổ Nhĩ Kỳ đang đe dọa đóng đường ống vận chuyển dầu từ người Kurd ở Iraq tới Địa Trung Hải. Điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới lợi ích của Nga vì công ty dầu khí Rosneft của Nga đã đầu tư 4 tỷ USD vào nguồn dầu của người Kurd.
Mátxcơva luôn đồng cảm với tinh thần dân tộc của người Kurd, trong khi vẫn kêu gọi người Kurd kiềm chế và cố gắng thuyết phục Thổ Nhĩ Kỳ không đóng đường ống dẫn dầu. Lợi ích của Nga đối với nguồn dầu của người Kurd xung đột với Iran, nước luôn lo sợ tinh thần dân tộc của người Kurd ở trong nước.
Mỹ giống như Anh trước đây, đang hành động không lấy gì làm thuận lợi trong nền chính trị cân bằng quyền lực ở Trung Đông, và cũng chẳng có gì cho thấy Nga sẽ làm tốt hơn. Tuy nhiên, sự chuyển dịch vị thế của Nga trở thành bên cân bằng các lợi ích xung đột đã đóng góp vào cuộc cách mạng ngoại giao được cho là sẽ gây ra những biến chuyển lớn ở khu vực này. 

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Nga "che ô" tên lửa cho Mátxcơva thế nào (video)

“Hổ Syria” tung đòn đè bẹp IS, đoạt thêm 2 cứ địa bờ đông Euphrates

Nga khiến Mỹ-NATO choáng, thay đổi ván cờ quyền lực thế giới