Báo Mỹ: Trung Quốc có đủ sức “hất” Mỹ, độc chiếm Thái Bình Dương?


VietTimes -- Có vẻ hơi ảo tưởng khi nhiều nhà quan sát Mỹ cho rằng Trung Quốc một lúc nào đó sẽ sụp đổ, nếu không thì nước này có thể chiếm ưu thế địa chính trị vượt trội trong khu vực. Nhưng khó có thể đoán trước được liệu Trung Quốc có thể duy trì con đường cần thiết để chiếm quyền lực lãnh đạo của Mỹ trong vài thập kỷ tới được hay không, National Interest nhận xét.
Trung Quốc bồi lấp trái phép Đá Chữ Thập tại quần đảo Trường Sa thành đảo nhân tạo phi pháp với đường băng dài 3.000m, hải cảng và các công trình quân sự kiên cố Trung Quốc bồi lấp trái phép Đá Chữ Thập tại quần đảo Trường Sa thành đảo nhân tạo phi pháp với đường băng dài 3.000m, hải cảng và các công trình quân sự kiên cố

Các đối tác và đồng minh của Mỹ ở trong khu vực ngày càng nghi ngờ về khả năng chiến thắng của Mỹ trong cuộc tranh giành ảnh hưởng đang diễn ra với Trung Quốc, và các nước này cần phải bắt đầu chuẩn bị cho một trật tự mới trong khu vực do Trung Quốc dẫn đầu. Thách thức với Mỹ là phải đảm bảo rằng nỗi lo sợ này không biến thành sự thật.

Không thể phủ nhận là trong những năm qua, Trung Quốc đang chiếm ưu thế vượt trội trong khu vực một cách nhanh chóng và đồng bộ, trong khi Mỹ đang phải rất cố gắng để đối phó với điều này. Cân bằng sức mạnh quân sự đã chuyển dịch đáng kể trong hai thập kỷ qua, khi Bắc Kinh tiến hành cải tổ quân đội ở mức độ chưa từng thấy. Trong khi, những nỗ lực đối phó với sự thật này của Mỹ đã bị cản trở bởi cuộc can thiệp quân sự kéo dài nhiều năm vào Trung Đông, và kéo theo đó là chính sách thắt lưng buộc bụng cùng những khoản cắt giảm chi phí quốc phòng.

Theo nghiên cứu của RAND năm 2015, cân bằng trong khu vực đang đi theo hướng Mỹ sẽ ngày càng khó khăn trong việc bảo vệ đối tác và đồng minh như Đài Loan khỏi sự can thiệp vũ lực của Trung Quốc ở mức chi phí chấp nhận được.

Trung Quốc cũng đã mở rộng tầm ảnh hưởng khu vực của mình thông qua các bước đi có tác động mạnh mẽ như cưỡng ép các nước láng giềng ở Biển Hoa Đông và Biển Đông. Bên cạnh đó là xây dựng trái phép và quân sự hóa đảo nhân tạo vi phạm luật pháp quốc tế, tìm cách tách Mỹ ra khỏi đồng minh bằng cách kết hợp cưỡng chế và thúc đẩy hợp tác kinh tế.

Các chiến thuật cắt lát salami như vậy rất khó để chống lại, bởi vì chúng khiến hiện trạng thay đổi mà không leo thang đến mức có thể khiến Mỹ đáp trả bằng quân sự. Trong nhiệm kỳ của Tổng thống Barack Obama, các quan chức Mỹ thường bị cản trở bởi tình thế khó khăn này, dù bị báo động về tham vọng của Trung Quốc nhưng lại rất khó xác định các biện pháp có thể cản trở hoặc trừng phạt Trung Quốc mà không viện đến quân sự.

Điều này dẫn đến sự thay đổi đáng kể trong nhận thức về quyền lực và động lực trong khu vực, dấy lên câu hỏi liệu Mỹ có thể đối phó được với thách thức mang tên Trung Quốc. Lo ngại này không chỉ được trình bày trong các cuộc họp kín mà đã trở thành cuộc tranh luận công khai của đông đảo dư luận.

Hugh White, một cựu sĩ quan quốc phòng Úc, năm 2013 đã từng nói rằng Mỹ nên "chia sẻ quyền lực" với Trung Quốc tại Châu Á - Thái Bình Dương. Nhưng trong một bài viết gần đây, Hugh White cho rằng khó có thể thỏa hiệp như vậy được nữa vì Trung Quốc đang mạnh lên nhanh chóng.

Hugh White cho rằng Trung Quốc quyết tâm đẩy Mỹ ra khỏi khu vực và đang có những bước tiến rất mạnh. Trừ phi Washington sẵn sàng chiến đấu chống lại một cuộc xung đột quân sự tàn khốc để ngăn chặn đà phát triển của Bắc Kinh, nếu không kết quả cuộc xung đột này về lâu dài đã được định đoạt sẵn. Mỹ đang dần đánh mất vai trò làm trọng tài về cân bằng quyền lực. Trung Quốc sẽ ngày càng đẩy mạnh việc thiết lập luật chơi ở Châu Á -Thái Bình Dương. Do đó nhiệm vụ của các đồng minh của Mỹ là phải bắt đầu thích nghi với một trật tự khu vực mới sau trật tự của Mỹ, trong đó Mỹ có thể không còn bảo vệ đồng minh và đối tác nữa và cũng không thể đóng vai trò chiến lược mang tính quyết định.

Bloomberg đánh giá lập luận của ông Hugh White vừa cần thiết nhưng lại vừa nguy hiểm.

Bài viết cần thiết vì nó cho thấy môi trường an ninh ở Châu Á-Thái Bình Dương trong những năm qua đã thay đổi theo hướng bất lợi như thế nào và Mỹ đang đánh mất vai trò lãnh đạo trong nhận thức của các nước trong khu vực ra sao. Trung Quốc đang tái định hình trật tự khu vực theo hướng gây hại cho Mỹ và các đồng minh thân cận nhất.

Trung Quốc thành lập cụm tác chiến tàu sân bay rập khuôn mô hình Mỹ Trung Quốc thành lập cụm tác chiến tàu sân bay rập khuôn mô hình Mỹ

Và cho dù phần lớn các nhà hoạch định chính sách và lãnh đạo ở Úc và các nước đồng minh khác chưa sẵn sàng chấp nhận kết quả của cuộc cạnh tranh quyền lực Mỹ-Trung thì niềm tin của họ vào Mỹ cũng đang đứng trước nhiều thử thách.

Ví dụ, ở Úc, ông Hugh White có rất nhiều người cùng chung quan điểm khi công khai đặt câu hỏi về sự tiếp tục phụ thuộc của nước này vào Mỹ. Cựu Thủ tướng Úc Paul Keating cũng đã bày tỏ ý tưởng tương tự.

Và ở Philippines, Tổng thống Rodrigo Duterte đã thận trọng tái định vị lại đất nước trong cuộc cạnh tranh giữa Trung Quốc và Mỹ, trong đó Mỹ dường như đang lép vế về mặt chiến lược. Do đó sẽ thật ngớ ngẩn khi các nhà hoạch định chính sách Mỹ bỏ qua những quan ngại từ Úc và các quốc gia Châu Á-Thái Bình Dương này.

Nhưng cũng sẽ thật nguy hiểm cho các lãnh đạo Úc và các nước đồng minh khi chấp nhận rằng Trung Quốc đang chiếm xu thế để thống trị khu vực và từ bỏ việc chống lại các tham vọng của Trung Quốc.

Trung Quốc hiện nay đang mở rộng thế lực và ảnh hưởng nhưng vẫn chưa đủ lực, và còn xa mới bằng được Mỹ về sức mạnh tổng hợp quốc gia. Ngân sách quân đội của nước này chưa bằng một nửa của Mỹ, GDP trên đầu người của Trung Quốc cũng chỉ bằng ¼ của Mỹ, cho dù GDP của hai nước ngang nhau.

Hơn nữa, Trung Quốc chắc chắn sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn lớn về cả kinh tế lẫn chính trị trong những năm tới vì những hạn chế trong mô hình tăng trưởng hiện nay và sự bất ổn trong nước. Nhưng khó có thể đoán trước được liệu Trung Quốc có thể duy trì con đường cần thiết để chiếm quyền lực lãnh đạo của Mỹ ở khu vực trong vài thập kỷ tới được hay không.

Trên thực tế, Mỹ và các đồng minh có thể khiến Trung Quốc khó đạt được mục tiêu này. Ví dụ, vị trí địa lý khiến Mỹ khó triển khai sức mạnh vào khu vực dọc bờ biển của Trung Quốc thì cũng khó để Trung Quốc triển khai sức mạnh ra bên ngoài, hướng đến những nước láng giềng và xa hơn nữa. Chuỗi đảo chạy từ Nhật Bản tới quần đảo Ryukyu, sang Đài Loan và Philippines tạo thành một rào chắn khiến Trung Quốc khó có thể phóng chiếu quyền lực ra Thái Bình Dương.

Theo Michael Beckley của Trung tâm Belfer, Đại học Harvard, các đồng minh và đối tác của Mỹ như Nhật Bản và Đài Loan có thể ngăn chặn tham vọng Trung Quốc bằng cách xây dựng khả năng chống tiếp cận (ví dụ như tên lửa và ngư lôi chống tàu) mà Bắc Kinh triển khai.

Mỹ và đồng minh cũng có thể hành động nhiều hơn để khiến chi phí cho các hành vi gây mất ổn định khu vực của Trung Quốc tăng cao. Chẳng hạn như áp đặt lệnh trừng phạt lên các công ty của Trung Quốc tham gia vào các hành vi bồi lấp đảo trái phép, giúp các nước đối tác củng cố chỗ đứng trên Biển Đông và Biển Hoa Đông, đáp trả các hành vi của Trung Quốc bằng cách triển khai nhiều thiết bị quân sự của Mỹ đến khu vực.

Tất nhiên những biện pháp này cũng khiến tăng chi phí và rủi ro, và không thể đảm bảo thành công trong cuộc cạnh tranh địa chính trị kéo dài nhiều thập kỷ với Trung Quốc. Nhưng Mỹ và các đồng minh có thể vẫn tham gia cuộc cạnh tranh đó, miễn là không chịu bỏ cuộc. Cách duy nhất đảm bảo thất bại ở khu vực này chính là tự bỏ cuộc, National Interest khuyến cáo.

Đặng Phương Thảo

https://viettimes.vn/bao-my-trung-quoc-co-du-suc-hat-my-doc-chiem-thai-binh-duong-153294.html



Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Lá chắn Mỹ "bó tay" trước tên lửa Triều Tiên?

Tin chắc Nga sa lầy Syria, Mỹ nuốt giận nhìn Mátxcơva khải hoàn chiến thắng

Kích Ukraine "tất tay" với Nga, Mỹ thúc đẩy cấp tên lửa Javenlin