Không quân giúp Israel hô mưa gọi gió tại Trung Đông

VietTimes -- Quân đội Israel sẽ thống trị Trung Đông vì đất nước này có lực lượng không quân không giống bất cứ nước nào trên thế giới. Israel đã tự cải tiến, nâng cấp những chiếc máy bay chiến đấu nhập khẩu để chúng có thể thích hợp với các nhiệm vụ mà nước này đề ra, National Interest nhận định.

Kể từ những năm 1960, không quân thuộc Lực lượng phòng vệ Israel (IDF) giữ vai trò chính trong quốc phòng Israel. Khả năng của không lực Israel trên chiến trường và trong việc bảo vệ dân chúng khỏi các cuộc tấn công của kẻ thù cho phép quân đội Israel chiến đấu với một sự thuận lợi lớn. Cùng lúc, không lực Israel đã chứng minh khả năng chiến lược có thể tấn công những mục tiêu then chốt với khoảng cách đáng kể.

Sự thống trị của không lực Israel đến từ những cuộc huấn luyện hiệu quả, sự yếu kém của đối thủ và cách tiếp cận giữa những thiết kế và các sản phẩm mua được. Qua nhiều năm, người Israel đã thử rất nhiều các chiến lược để tăng sức mạnh cho không lực với các máy bay chiến đấu bao gồm những chiến đấu cơ mua từ Pháp, Mỹ và tự chế tạo máy bay. Họ đang kết hợp rất hiệu quả việc mua máy bay từ Mỹ với việc tự sản xuất trong nước.
Không quân giúp Israel hô mưa gọi gió tại Trung Đông - ảnh 1 Máy bay Kfir thành quả nghiên cứu chiếc Mirage của Israel

Trong những năm đầu, Israel trang bị những vũ khí họ có thể mua được từ những nước khác. Điều này có nghĩa là Lực lượng phòng vệ Israel hoạt động với nhiều thiết bị cũ kỹ hầu hết từ các nhà sản xuất Châu Âu. Tới cuối 1950, Israel có quan hệ mua bán vũ khí với một loạt các nước nhưng chủ yếu là Anh và Pháp. Và mối quan hệ với Pháp rất phát triển với kết quả là sự chuyển giao những thiết bị quân sự công nghệ cao bao gồm cả máy bay chiến đấu Mirage (Pháp cũng hỗ trợ kỹ thuật cho chương trình nguyên tử của Israel). Những chiếc máy bay chiến đấu Mirage đóng vai trò chính của không lực Israel trong cuộc chiến 6 ngày năm 1967, với kết quả Israel triệt hạ hầu hết lực lượng không quân của các nước láng giềng trong những giờ đầu tiên của cuộc xung đột.

Năm 1967, Pháp cấm vận vũ khí với Israel gây ra một tình huống khó khăn với Tel Aviv. Lực lượng không quân Israel cần thêm máy bay chiến đấu và tìm kiếm những khả năng mà máy bay Mirage không cung cấp được bao gồm cả khả năng tấn công mặt đất ở tầm trung. Dưới những điều kiện này, Israel có chiến lược dành thời gian để copy những thứ mà họ cần. Để bổ sung kiến thức và kỹ thuật chế tạo máy bay, người Israel đã tiếp cận thiết kế kỹ thuật của máy bay Mirage thông qua tình báo (có thể do các nhà cầm quyền Pháp đã mắt nhắm mắt mở để hộ làm điều này).

Kế hoạch này đã cho ra đời 2 loại máy bay chiến đấu IAI Nesher và IAI Kfir. Chiếc thứ 2 được trang bị động cơ mạnh mẽ do Mỹ thiết kế và là máy bay chiến đấu chính của Lực lượng phòng vệ Israel. Cả 2 chiếc máy bay đều được bán thành công: Nesher đang phục vụ cho quân đội Argentina còn Kfir thì được mua bởi Colombia, Ecuador và Sri Lanka.

Không quân giúp Israel hô mưa gọi gió tại Trung Đông - ảnh 2 Máy bay chiến đấu IAI Nesher.

Sự đầu tư này đã giúp phát triển lĩnh vực hàng không Israel và quan hệ mật thiết tới nền kinh tế của Israel. Sự đầu tư phát triển kỹ thuật quân sự không phải lúc nào cũng có những phát kiến có thể áp dụng trong kỹ thuật dân sự. Trong trường hợp này dù sao sự đầu tư to lớn của Israel đã cung cấp một cột trụ ban đầu cho lĩnh vực phát triển công nghiệp dân sự nước này. Với nhiều người, sự thành công của máy bay Kfir cho thấy Israel có thể tự đứng vững trong kỹ thuật hàng không, loại bỏ sự phụ thuộc vào những bảo trợ nước ngoài.

Tuy nhiên, Israel tiếp tục đầu tư mạnh vào các máy bay nước ngoài. Lực lượng không quân Israel mua những chiếc F-4 Phantom vào cuối những năm 1960 và F-15 Eagle vào giữa những năm 1970. Chuyến hàng mới đến vô tình tạo nên khủng hoảng chính trị tại Israel vì 4 chiếc máy bay hạ cánh ngay vào thời điểm bắt đầu ngày lễ Sabbath. Những cuộc tranh cãi tiếp theo đã hạ bệ thủ tưởng Yitzhak Rabin. Nhưng nhiều người tại Israel vẫn phấn chấn với thành công của máy bay Kfir và tin rằng đất nước Israel có thể tự phát triển máy bay chiến đấu của riêng họ.

Giống như Liên Xô và Mỹ, Israel tin rằng có lực lượng hỗn hợp nhiều loại máy bay sẽ đáp ứng nhu cầu tốt nhất cho quân đội. Điều này dẫn đến sự phát triển Lavi - một loại máy bay chiến đấu đa năng để bổ sung cho những chiếc F-15 Eagle mà Israel tiếp tục nhập từ Mỹ. Lavi được tạo ra vì Israel nhận ra F-16 Viper có ưu thế hơn. Nó bao gồm cả một số hệ thống do Mỹ cấp phép và có thể nói nó là sẽ giống như một chiếc F-16 với thiết kế cánh đã thay đổi, chỉnh sửa.

Nhưng môi trường kỹ thuật quân sự đã thay đổi. Phát triển chiếc Lavi từ đầu và muốn nó có những điểm tiến bộ hơn F-16 cần một khoản đầu tư khổng lồ và ngân sách dành cho chiếc máy bay thì đã cạn. Hơn nữa, Mỹ kiểm soát xuất khẩu chặt chẽ hơn nhiều so với Pháp và có nhiều biện pháp để bắt Israel phải làm theo Mỹ. Trái với sự lạc quan về khả năng xuất khẩu của Lavi, Mỹ rõ ràng sẽ không để Israel xuất khẩu một chiếc máy bay chiến đấu có những bộ phận quan trọng do Mỹ chế tạo. Và một chiếc Lavi ra đời để cạnh tranh với F-16 càng làm cho vấn đề trở nên nghiêm trọng.

Không quân giúp Israel hô mưa gọi gió tại Trung Đông - ảnh 3 Chiến đấu cơ của Không lực Israel.

Tháng 8.1987, Israel quyết định dừng dự án Lavi tạo nên một cuộc biểu tình của những người tham gia dự án. Nỗ lực chính trị để khôi phục lại dự án cũng không thành công và Israel vẫn phải nhập một lượng lớn máy bay F-16. Tuy nhiên, Lavi cũng khiến Mỹ không xuất khẩu F-22 Raptor. Lo lắng vì Israel chia sẻ kỹ thuật của Lavi (hay F-16) cho Trung Quốc (kỹ thuật giúp Trung Quốc chế tạo chiếc J-10), quốc hội Mỹ đã cấm xuất khẩu F-22. Quyết định này đã ngăn Israel và các nước quan tâm có được chiếc Raptor nhưng cũng làm ngắn vòng đời sản phẩm của máy bay chiến đấu này.

Sau này, thay vì theo đuổi việc chế tạo một chiếc máy bay cho riêng mình, Israel cải tiến những chiếc máy bay chiến đấu mua từ Mỹ. Chiếc F-15I "Thunder" hay chiếc F-16I "Storm" có những nâng cấp lớn để tối ưu chúng cho những nhiệm vụ của Israel. Cả hai chiếc máy bay đều có những hiệu chỉnh thêm về kỹ thuật điện tử hàng không giúp Lực lượng phòng vệ Israel có thể chiến đấu hiệu quả hơn với khoảng cách xa từ những căn cứ của họ. F-15I phiên bản của F-15E Strike Eagle là máy bay tấn công tầm xa quan trọng nhất của không lực Israel. Không lực Israel cũng đang có những bước cải tiến để chiếc máy bay chiến đấu F-35 Joint Strike phù hợp hơn với các nhiệm vụ của họ, bao gồm cả việc chỉnh sửa cải tiến các phần mềm của máy bay.
Không quân giúp Israel hô mưa gọi gió tại Trung Đông - ảnh 4 F-15I đã được Israel nâng cấp.

Công nghiệp hàng không Israel (IAI) vẫn tiếp tục có những thành công lớn dù thiếu những dự án về máy bay chiến đấu. IAI lớn mạnh nhờ phát triển và xuất khẩu các thành phần thiết bị dùng trong nội địa và trong nước bao gồm cả đạn dược và các thiết bị kỹ thuật điện tử hàng không. IAI cũng đạt được thành công lớn trong thị trường máy bay không người lái (UAV) cả trong Israel và nước ngoài.

Ngoài sự thất bại của dự án máy bay chiến đấu Lavi, lĩnh vực quốc phòng công nghệ cao rất thành công và sẽ lan tỏa vào khu vực kinh tế tư nhân của Israel. Chính sách công nghiệp của Israel tập trung vào mục tiêu: cung cấp đầu tư cho những sáng chế công nghệ cao để tạo điều kiện cho cả nền quốc phòng và kinh tế phát triển.

Chiến lược hàng không của Israel phụ thuộc vào tình trạng quan hệ của Israel với Mỹ. Điều này đúng cả ở sự tồn tại của các hệt hống máy bay cùng như việc phát triển kỹ thuật. Nhưng rất may cho Israel, mối quan hệ giữa Mỹ và đất nước này sẽ còn được giữ trong khoảng thời gian dài. Việc lo ngại về an ninh khiến F-22 bị dừng xuất khẩu nhưng không gây ảnh hưởng tới mối quan hệ chung. Và ngay cả khi kịch bản xấu nhất xảy ra, Israel cần tìm kiếm một đồng minh khác Mỹ, thì nền công nghiệp tài năng của Israel trong việc phát triển các thành phần và hệ thống hỗ trợ sẽ khiến nước này có thể dễ dàng kiếm đối tác trong thời gian ngắn.

Tiệp Nguyễn

https://viettimes.vn/khong-quan-giup-israel-ho-mua-goi-gio-tai-trung-dong-153055.html


Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Nga "che ô" tên lửa cho Mátxcơva thế nào (video)

“Hổ Syria” tung đòn đè bẹp IS, đoạt thêm 2 cứ địa bờ đông Euphrates

Nga khiến Mỹ-NATO choáng, thay đổi ván cờ quyền lực thế giới