Syria, Triều Tiên, Ukraine...Mỹ có thể gây chiến ở đâu trong năm 2018?
VietTimes -- Theo đánh giá của The Saker - một cây viết uy tín trên Unz, Mỹ có thể sẽ có nhiều động thái chiến tranh năm 2018: bao gồm leo thang tại Afghanistan, từ bỏ thỏa thuận hạt nhân với Iran và tấn công máy bay Nga.
Nếu như những tháng đầu tiên của 2017, người Mỹ có một hy vọng lớn lao vì bà Hillary Clinton thua ông Trump trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ (bà Hillary là người theo trường phái diều hâu) thì cuối năm nền chính trị Mỹ đang lâm vào một hoàn cảnh u tối. Ông Trump đã sa lầy quá nhanh và Đế chế AngloZionist thì bại trận tại Syria một cách thảm hại. Còn những người theo phái diều hâu đang đẩy cả thế giới vào những mối đe dọa không có hồi kết.
Hơn nữa, chính quyền của ông Trump đưa ra một Chiến lược An ninh Quốc gia mới cho thấy những người AngloZionist đang hoàn toàn hoang tưởng. Điều này giải thích hiện tại phái diều hâu đã kiểm soát hoàn toàn Nhà trắng, nghị viện và truyền thông Mỹ. Kết quả cuối năm của chính trường Mỹ đủ xấu để đặt câu hỏi bao giờ sẽ xảy ra cuộc chiến không thể tránh khỏi năm 2018?
Ông Donald Trump đã làm cả thế giới Hồi giáo phẫn nộ khi công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel.
Hiện tại phái Diều hâu đang nhắm vào những nước dưới đây với các hành động:
1. Afganishtan (leo thang chiến tranh).
2. Syria (đe dọa tấn công bởi liên minh Mỹ - Israel và Ả rập Xê-út; tấn công quân đội Iran và lực lượng Hezbollah tại Syria).
3. Nga (loại Nga ra khỏi Hiệp hội viễn thông liên ngân hàng và tài chính quốc tế SWIFT; đóng băng các tài sản của Nga tại Mỹ, tấn công lực lượng Nga tại Syria).
4. Iran (nuốt lời về thỏa thuận hạt nhân, tấn công lực lượng Iran tại Syria).
5. Donbass (hỗ trợ những kẻ cực đoan Ukraine chống lại phe dân quân ly khai).
6. Triều Tiên (trực tiếp và công khai đe dọa quân sự; chặn đường hàng không và hàng hải).
7. Venezuela (can thiệp quân sự dưới chiêu bài "bảo vệ tự do, dân chủ, quyền con người và nền văn minh").
Mỹ đã có tuyên bố mềm mỏng hơn sau khi Triều Tiên thử nghiệm thành công tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Hwasong-15.
Có nhiều nước cũng đang đe dọa tới Mỹ ở nhiều mức độ khác nhau nhưng 7 nước trên là những ứng cử viên sáng giá nhất để Mỹ gây hấn. Nhưng tại thời điểm này, Mỹ không cần thiết gây chiến. Thảm họa lớn nhất mà Mỹ gây ra trong năm nay là công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel. Thực tế đáng buồn là người Mỹ đang sống trong một đất nước siêu cường về hạt nhân nhưng lại thiếu đi những thông tin tình báo tối thiểu để bảo vệ những nguồn lợi an ninh quốc gia. Cách thức tạo nên Chiến lược an ninh quốc gia của Mỹ cho thấy các lãnh đạo Mỹ biết rõ người dân của họ tin tưởng vào những tư tưởng, những phát ngôn của họ.
Ví dụ như trường hợp tại Syria. Tất cả những quyết định và hành động của Mỹ rất đáng lo ngại như:
1. Nhóm IS, al-Nursa... đều được tạo ra bởi Mỹ và họ đang làm mọi thứ để bảo vệ các nhóm khủng bố này.
2. Liên minh Nga-Iran-Hezbollah đang cố gắng để tiêu diệt các nhóm khủng bố tại Syria trong khi đế chế AngloZionist thì ủng hộ khủng bố và đang tấn công lực lượng chính phủ Syria.
3. Sự hiện diện quân sự của AngloZionist tại Syria hoàn toàn bất hợp pháp.
Nhưng cũng không ai ngăn Mỹ và các đồng minh tuyên bố rằng chính họ đã tiêu diệt IS thay vì Nga. Điều này rất kỳ lạ vì cả thế giới biết ai chiếm vị trí quan trọng tại Syria nhưng Mỹ lại có thể đổi trắng thay đen, biến sự thật thành dối trá. Dù Mỹ cũng biết mọi người đều biết điều đó nhưng họ chẳng quan tâm. Tại sao? Bởi vì họ tin tưởng một cách sâu sắc vào 4 điều cơ bản:
1. Chúng ta có thể mua bất cứ ai.
2. Với ai chúng ta không thể mua, chúng ta gây sức ép.
3. Với những ai không thể gây sức ép, chúng ta tiêu diệt.
4. Không điều gì có thể xảy ra với chúng ta, chúng ta hoàn toàn không bị tổn hại dù có làm bất cứ điều gì.
Bên cạnh những nhân vật có tin tức tình báo, có một kiểu người hoàn toàn biến mất khỏi sự thiết lập của an ninh quốc gia Mỹ: một người với tính chính trực, danh dự và lòng dũng cảm. Ví dụ như ông Rex Tillerson. Chúng ta không thể nói rằng ông Tillerson là một người thiếu suy nghĩ. Ông đã chứng minh rất nhiều lần mình là một người thông minh và thật sự tài năng. Nhưng ông lại trở nên mờ nhạt trước bà Nikki Haley (đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc), khi bà có những tuyên bố gây ra ảnh hưởng chính trị với nước Mỹ. Nhưng Tillerson chỉ ngồi đó và hết lần này tới lần khác bị làm bẽ mặt.
Bà Nikki Haley đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc tuyên bố Mỹ sẽ cắt nguồn tiền tài trợ cho Liên Hợp Quốc.
Đối với quân đội Mỹ cũng vậy: không có một tướng lĩnh, sĩ quan nào từ chức để chống lại sự thực là Mỹ đang "chung chăn" với những người chịu trách nhiệm với các cuộc khủng bố. Thực tế, nhiều nguồn tin cáo buộc rằng lực lượng đặc biệt Mỹ đang làm việc với al-Qaeda ngày qua ngày và không ai trong những người yêu nước đó có danh dự, dũng cảm và liêm chính để công bố điều đó.
Mỹ đang bị điều khiển bởi những người có tư tưởng diều hâu. Nhưng ở một mức độ nào đó những người này phải hiểu rằng họ đang không có lợi thế. Vì những đội quân Mỹ dựng lên đang liên tục bị tiêu diệt, những rối ren về mặt chính trị xảy ra là thứ thuyết phục nhất để khiến họ biết: "hành động tốt nhất bây giờ là không làm gì cả". Và để biết những rủi ro chỉ cần tính tới hậu quả và khả năng hậu quả đó có xảy ra hay không. Những người ra quyết định trong chính phủ Mỹ có thể không nghĩ như vậy nhưng có thể thử xem điều gì có thể xảy ra trong danh sách 7 nước mà phái diều hâu đang nhắm tới.
Afghanistan: Nếu leo thang chiến tranh tại Afghanistan, sẽ có nhiều túi đựng xác hơn. Người Mỹ sẽ không đạt được gì, sẽ mất đi nhiều thứ mà chẳng ai quan tâm.
Syria: tấn công vào Syria rất cám dỗ với Mỹ. Nhưng rủi ro lớn nhất là: quân đội Mỹ sẽ đối mặt trực tiếp với quân đội Iran và lực lượng Hezbollah - những đội quân đã mơ về điều này trong nhiều thập kỷ. Và họ sẽ tìm cách sử dụng tối đa lợi ích chính trị của quân Mỹ mà họ bắt được hay giết chết. Israel là nước đã có kinh nghiệm hãi hùng khi đối đầu với Iran hay Hezbollah.
Nga (kịch bản 1): từ lâu đã có nhiều tin đồn rằng Mỹ sẽ rút Nga khỏi Hiệp hội viễn thông liên ngân hàng SWIFT hay đóng băng tài sản của Nga trên đất Mỹ. Còn người Nga đã có rất nhiều các kiểu đáp trả và đe dọa vì việc này. Nhưng thực tế Nga có rất ít lựa chọn để trả đũa và hiện tại bầu không khí nóng tại Moscow về những hành động này của Mỹ đã tan đi. Tất nhiên, tổng thống Vladimir Putin rất thông minh, ông là bậc thầy về chiến lược và không thể dự đoán. Nga có thể có con bài chưa lật về kinh tế mà tình báo Mỹ cần phải thận trọng.
Nga (kịch bản 2): Cách người Nga làm sau khi Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi chiếc Su-24 của họ vào năm 2015 khiến những nhà chính trị và các chỉ huy quân sự Mỹ có cảm giác họ cũng có thể làm như vậy (sau khi Thổ Nhĩ Kỳ bắn máy bay Nga, Nga đã đem hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 tới Syria). Thực tế, họ có thể đúng nhưng cũng có thể sai. Điểm khác biệt lớn nhất trong vụ chiếc Su-24 là Nga có những hệ thống phòng không tuyệt vời đã được triển khai tại Syria - mối đe dọa lớn với quân đội Mỹ.
Hơn nữa, nếu máy bay Nga bị tấn công và Nga đáp trả bằng cách bắn những tên lửa đất đối không thì Mỹ sẽ làm gì - tấn công hệ thống S-400 của Nga? Vì Mỹ cũng đang lo sợ khi chiến đấu không đối không. Chiếc F22 là máy bay chiến đấu tuyệt vời nhưng có một yếu điểm lớn: nó được thiết kế để tấn công mục tiêu tầm xa và để tấn công trước khi bị phát hiện (F-22 được đề cập tới trong trường hợp này bởi nó là máy bay Mỹ duy nhất có thể đối đầu với Su-30SM và Su-35).
Máy bay Su-35 của Nga.
Nhưng nếu điều kiện đối đầu là trước khi khai hỏa vào một chiếc máy bay Nga, F-22 phải có cảnh báo rõ ràng hoặc nếu cuộc tấn công nằm trong khoảng cách tầm trung hoặc tầm ngắn thì F-22 sẽ có bất lợi lớn đặc biệt là khi đối đầu với Su-30SM hoặc Su-35. Một điểm yếu lớn khác của F-22 là nó không được trang bị hệ thống tác chiến điện tử hữu hiệu như của Su-30/Su-35 (hệ thống INEWS của F-22 không đối lại được với Su). Và F-22 được thiết kế để tối đa khả năng vượt qua các sóng radar tầm ngắn nhưng với cái giá phải bỏ qua tất cả các loại hình tác chiến trên không khác như (radar tầm rộng, tính siêu linh hoạt, tác chiến điện tử, tác chiến khi bị động...).
Nếu không chấm dứt sự đối đầu với Nga thì mối quan hệ giữa hai nước sẽ xấu đi. Nga giờ đã có đủ nguồn lực khiến sự lên án và công khai căm thù Nga đã trở thành một đức hạnh với giới chính trị tinh hoa nước Mỹ. Khó có thể dự đoán bao giờ căn bệnh sợ Nga của lãnh đạo Mỹ sẽ chấm dứt.
Iran: Donald Trump thông báo ông muốn từ bỏ thỏa thuận hạt nhân trong khi cả về mặt kỹ thuật lẫn phương diện pháp lý đều không thể làm vậy, nhưng có vẻ như ông không quan tâm tới điều này. Mỹ đã có một thời gian dài có vẻ như tôn trọng mọi điều luật bao gồm cả luật quốc tế. Nhưng kể từ khi tổng thống Trump công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel thì có thể ông Trump cũng sẽ bỏ thỏa thuận với Iran.
Mỹ tuyên bố tài trợ vũ khí sát thương cho Ukraine.
Donbass: Nhóm cực đoan Ukraine đã tấn công từ nhiều tháng trước. Họ không chỉ nã pháo vào Donbass mà còn sử dụng chiến lược "ếch nhảy" mới, chuyển quân vào các khu vực trung lập, chiếm đóng các thị trấn không có phòng vệ và tuyên bố đó là một chiến thắng lớn chống lại nước Nga. Họ cũng đang được tái vũ trang, tổ chức và hợp nhất lại trong khi hỗ trợ lực lượng của họ ở phía Đông. Dưới quan điểm của phái diều hâu, nhóm cực đoan Ukraine sẽ có 1 trong 3 kết quả sau:
1. Nhóm cực đoan Ukraine thắng. Nga thua. Mỹ chứng minh được sức mạnh của mình.
2. Dân quân đông Ukraine thắng. Nga sẽ bị cáo buộc xâm lược Ukraine.
3. Phe dân quân thua và Nga công khai can thiệp quân sự. Giấc mơ của phái diều hâu trở thành hiện thực: NATO sẽ có một cuộc Chiến tranh lạnh thứ 2 tại Châu Âu.
Trong 3 trường hợp thì trường hợp xấu nhất với đế chế AngloZionist là trường hợp 2, còn trường hợp 3 là tốt nhất. Thực tế, họ tổn thất rất nhỏ nếu những người cực đoan Ukraine tấn công các khu vực được gọi là Tân Nga. Kể cả với những người Ukraine. Hiện tại, Mỹ và rất nhiều các nước Châu Âu đang vận chuyển nhiều loại vũ khí cho lực lượng cực đoan Ukraine.
Đây không phải là tin tức mới vì họ đã làm vậy trong nhiều năm. Hơn nữa, vũ khí phương Tây sẽ không tạo nên sự khác biệt ít nhất từ quan điểm quân sự. Nếu có thì nó chỉ làm cho Nga dễ dàng gửi nhiều vũ khí tới Ukraine hơn. Điểm khác biệt là về mặt chính trị: việc vận chuyển vũ khí sát thương tới Ukraine là đèn xanh cho các cuộc tấn công. Hãy hy vọng rằng những cuộc nội chiến giữa các nhóm cực đoan Ukraine và sự thảm bại trước đó của họ sẽ ngăn họ tấn công thêm một lần nữa. Nhưng có thể một cuộc tấn công toàn diện vào Donbass sẽ xảy ra.
Nga đã tạo ra nhiều vùng xung đột đóng băng tại Ukraine.
Triều Tiên: Hậu quả của việc tấn công Triều Tiên rất khó lường. Thực tế, họ sẽ chiến đấu tới người cuối cùng nếu cần. Chế độ tại Triều Tiên sẽ thuyết phục quần chúng là họ không chiến đấu cho một chế độ chính trị mà cho chính đất nước của mình. Không ai biết Triều Tiên hành động thế nào nếu bị tấn công nhưng không có dấu hiệu gì là Triều Tiên sẽ không đáp trả. Lãnh đạo Triều Tiên thì vẫn hàng ngày đe dọa tiêu diệt Mỹ và có khả năng làm như vậy.
Nếu Mỹ tấn công các nước nhỏ và không có khả năng phòng thủ thì có thể bỏ qua những hậu quả nhưng khi tấn công một nước như Triều Tiên mà không tính toán, không có một nhà chính trị hay chỉ huy quân sự ôn hòa thì Mỹ sẽ phải lĩnh nhiều rủi ro. Thực tế, cuộc chiến Iraq đã cho thấy viễn cảnh của phái diều hâu đưa ra và đã lĩnh những hậu quả địa ngục. Cuộc chiến Iraq đã gây ra tổn thất cho người Mỹ và người Iraq: hàng vạn nhân mạng ở thời điểm hiện tại và 5.000 tỷ USD về sau này. Không ai biết hậu quả gì sẽ xảy ra khi tấn công Triều Tiên ngay cả với chính người Triều Tiên.
Venezuela: Rất nhiều lãnh đạo Mỹ không thích Venezuela nhưng đất nước này là một mục tiêu tốt để Mỹ lật đổ chứ không phải để can thiệp quân sự. Những cuộc bạo động ở Venezuela ảnh hưởng tới lợi ích của Mỹ nhưng không nên có hành động can thiệp trực tiếp vào đất nước này. Quân đội Venezuela dù yếu nhưng sự kháng cự với những người Mỹ sẽ rất mạnh. Và mọi cuộc can thiệp quân sự đều có thể kích hoạt một cuộc chiến tranh du kích. Mỹ có ý muốn can thiệp quân sự tại Venezuela nhưng họ có nhiều lựa chọn tốt hơn.
Như vậy, khả năng cao năm 2018: Mỹ sẽ leo thang chiến tranh tại Afghanistan, từ bỏ thỏa thuận hạt nhân với Iran, hỗ trợ cuộc tấn công của nhóm cực đoan Ukraine vào khu vực Donbass. Có thể Mỹ sẽ bắn máy bay Nga trên bầu trời Syria. Nhưng Mỹ sẽ không xâm lược Syria hay Venezuela. Và chưa thể tính toán liệu Mỹ có rút Nga ra khỏi SWIFT hoặc tấn công Triều Tiên hay không?
Tiệp Nguyễn
https://viettimes.vn/syria-trieu-tien-ukrainemy-co-the-gay-chien-o-dau-trong-nam-2018-152638.html
Nhận xét
Đăng nhận xét