“Lạnh gáy” lời cảnh báo của V. Putin đối với Mỹ-NATO


Trong Thông điệp liên bang vừa đọc ngày 1/3/2018, Tổng thống Nga V.Putin đã đưa ra lời cảnh báo “lạnh gáy” đối với những thế lực đang mưu toan phát động chiến tranh xâm lược nhằm vào Nga.

Tên lửa đạn đạo hạt nhân Sarmat khai hỏaTên lửa đạn đạo hạt nhân Sarmat khai hỏa


Phát biểu của ông Putin được đưa ra trong bối cảnh chính quyền Mỹ trong một thời gian dài sau Chiến tranh lạnh, đặc biệt là dưới thời Tổng thống Donald Trump, đang ráo riết thực hiện chiến lược cũng như chương trình hành động để giành ưu thế quân sự nhằm chuẩn bị gây ra cuộc chiến tranh thế giới mới.



Nhấn mạnh những thành tựu mới của Nga trong lĩnh vực quân sự

Trước hết, Tổng thống Nga V.Putin nêu rõ, chiến dịch quân sự ở Syria chứng tỏ Các lực lượng vũ trang Nga có tiềm lực và khả năng quân sự ngày càng lớn, với mức độ trang bị hiện đại tăng gấp 3,7 lần so với đầu những năm 2000. Trong đó, Nga đã đưa vào trang bị 300 loại vũ khí trang bị mới; 80 tên lửa đường đạn hạt nhân chiến lược có tầm vượt đại châu; 120 tên lửa đường đạn hạt nhân chiến lược phóng từ tàu ngầm ngầm; 3 tàu ngầm hạt nhân chiến lược lớp “Borey”; 12 trung đoàn tên lửa được trang bị tên lửa đường đạn thế hệ mới “Yars”; tăng số lượng tên lửa hành trình có độ chính xác cao lên 30 lần; tăng gấp 12 lần số lượng phương tiện mang vũ khí điều khiển chính xác cao tầm xa.

Đặc biệt, toàn bộ không phận và biên giới của Nga được phủ sóng radar để sẵn sàng phát hiện và cảnh báo mọi cuộc tấn công bằng tên lửa từ bất cứ hướng nào tới. Ngoài ra, Nga đã thành lập Trung tâm quốc gia chỉ huy và quản lý quốc phòng để sẵn sàng nắm bắt mọi diễn biến quân sự diễn ra trên thế giới.

Thách thức ngạo mạn từ phía Mỹ

Tổng thống Nga V.Putin nhận định, xuất phát từ nhận định cho rằng nước Nga là “kẻ thất bại” trong Chiến tranh lạnh, bị suy yếu đáng kể nên không có đủ tiềm năng kinh tế và quân sự để chạy đua với Mỹ và rút cuộc sẽ phải chấp nhận sự sắp đặt của Washington trên bàn cờ chính trị quốc tế, năm 2002 Mỹ đơn phương rút khỏi Hiệp ước phòng thủ tên lửa có giá trị vô thời hạn đã từng ký với Liên Xô năm 1972. Hiệp ước này có ý nghĩa cực kỳ quan trọng vì nó thiết lập sự cân bằng chiến lược giữa Mỹ và Liên Xô trước đây cũng như với Nga sau Chiến tranh lạnh, đồng thời có tác dụng ngăn ngừa một cuộc chiến tranh hạt nhân giữa hai bên.

Bằng quyết định đơn phương rút khỏi Hiệp ước phòng thủ tên lửa, Mỹ theo đuổi tham vọng xây dựng hệ thống đánh chặn tên lửa trên phạm vi toàn cầu để vô hiệu hóa tiềm lực tên lửa hạt nhân chiến lược của đối phương. Thực hiện tham vọng đó hiện nay Mỹ đã xây dựng các hệ thống đánh chặn tên lửa ở châu Âu, Nhật Bản và Hàn Quốc nhằm đánh chặn tên lửa đường đạn hạt nhân chiến lược hiện có trong trang bị của Nga.

Đáp trả quyết định này của Mỹ, Matxcơva đã nhiều lần cảnh báo về hiểm họa chạy đua vũ trang vô nghĩa và tốn kém này, đồng thời kêu gọi các đối tác Mỹ ngồi vào bàn đàm phán với Nga để hóa giải nguy cơ này. Tuy nhiên, Mỹ đã phớt lờ thiện chí của Nga. Trong điều kiện đó, Nga đã buộc phải có biện pháp đối phó thích hợp.

Những thành tựu đột phá chiến lược của Nga

Tổng thống Nga V.Putin cho biết, để đáp trả thách thức ngạo mạn của Mỹ, đến thời điểm này, Nga đã nghiên cứu chế tạo, thử nghiệm thành công và đưa vào trang bị các loại vũ khí mang đầu đạn hạt nhân hoặc thông thường hoàn toàn có khả năng vượt qua tất cả các hệ thống đánh chặn tên lửa trên thế giới, trước hết là của Mỹ. Thậm chí, một số loại vũ khí của Nga được chế tạo theo nguyên lý hoàn toàn mới và độc nhất vộ nhị, không một quốc gia nào có được, kể cả Mỹ.
Ông Putin tiết lộ về siêu vũ khí của Nga trong thông điệp liên bangÔng Putin tiết lộ về siêu vũ khí của Nga trong thông điệp liên bang

Để chứng minh, trong Thông điệp liên bang, Tổng thống Nga V.Putin đã giới thiệu những loại vũ khí mới có kèm theo hình ảnh video minh họa. Theo Tổng thống V.Putin, vũ khí của Nga được chế tạo với chi phí thấp nhưng có hiệu quả rất cao trong việc đối phó với các hệ thống đánh chặn tên lửa của đối phương.

Trước hết phải kể đến hệ thống tên lửa đường đạn hạt nhân chiến lược thế hệ mới “Sarmat” để thay thế hệ thống “Voevoda” tương tự của Liên Xô hiện có trong trang bị của Nga. Hệ thống “Sarmat” có tính năng vượt trội thế hệ cũ, như tầm xa không giới hạn (tầm xa của “Voievoda” là 11.000 km), được lắp đầu đạn hạt nhân có khả năng cơ động trên quỹ đạo nên dễ dàng vượt qua mọi hệ thống đánh chặn tên lửa hiện có.

Đặc biệt, hệ thống “Sarmat” có thể bay qua hai vùng cực bắc và nam cực để tấn công mục tiêu của đối phương, nghĩa là bay qua ngoài tầm kiểm soát của các hệ thống đánh chặn tên lửa hiện có ở châu Âu và Đông Bắc Á.

Một thành tựu khác của Nga là chế tạo thành công và đưa vào trang bị động cơ hạt nhân gọn nhẹ nhưng có sức đẩy cực mạnh để lắp cho tên lửa hành trình. Với động cơ này, tên lửa hành trình của Nga có tầm xa vượt gấp hàng chục lần tầm xa tên lửa hành trình “Tomahawk” của Mỹ! Với công nghệ tàng hình, có khả năng bay ở tầm thấp, len lỏi của mọi địa hình, tầm xa không hạn chế và bay theo quỹ đạo không thể đoán định trước, tên lửa hành trình lắp động cơ hạt nhân của Nga hoàn toàn có khả năng né tránh mọi hệ thống đánh chặn tên lửa và phòng không hiện có trên thế giới.

Theo Tổng thống V.Putin, hiện chưa có quốc gia nào trên thế giới phát triển được loại vũ khí tương tự của Nga. Theo ông, có thể đến một lúc nào đó người ta sẽ chế tạo được vũ khí tương tự, nhưng khi đó người Nga sẽ có thể phát triển những loại khác, còn “khủng” hơn!

Theo Tổng thống V.Putin, hiện nay Nga đã đưa vào trang bị tàu ngầm không người lái được lắp động cơ điện hạt nhân, lặn cực sâu, có tốc độ di chuyển trên cự ly toàn cầu với tốc độ nhanh gấp nhiều lần so với các tàu ngầm và tàu nổi hiện có. Với công nghệ tàng hình và khả năng cơ động cao, tàu ngầm không người lái của Nga có thể tấn công hủy diệt tàu sân bay, tàu chiến nổi, tàu ngầm và hạ tầng cơ sở ven biển của đối phương. Với kích thước nhỏ gấp hàng trăm lần, công suất động cơ mạnh gấp 200 lần so với tàu ngầm thông thường, tàu ngầm hạt nhân siêu nhỏ không người lái của Nga có khả năng ngay lập tức chuyển sang chế độ tấn công và hủy diệt mục tiêu.

Hiện nay Nga đã thử nghiệm thành công và đưa vào trang bị tên lửa siêu vượt âm được đặt tên là “Bảo Kiếm”, có thể bay nhanh gấp 20 lần tốc độ âm thanh, được phóng từ máy bay, có thể mang đầu đạn hạt nhân hoặc thông thường, và đặc biệt là có khả năng cơ động ở bất kỳ giai đoạn nào trên quỹ đạo bay, có thể vượt qua tất cả các hệ thống đánh chặn tên lửa và hệ thống phòng không hiện có cũng như trong tương lai gần.

Tổng thống V.Putin còn cho biết thêm về một thành tựu có ý nghĩa đột phá về công nghệ quân sự của Nga. Đó là thử nghiệm thành công và đưa vào trang bị khoang đầu đạn tên lửa đường đạn hạt nhân chiến lược hành trình, được đặt tên là “Avangard” (“Tiên Phong”). Theo ông, hiện chưa có quốc gia nào trên thế giới có được công nghệ này. Tính năng đặc biệt của khoang đầu đạn này là có thể bay cơ động nhanh gấp 20 lần tốc độ âm thanh trong bầu khí quyền dày đặc và chịu được sức nóng do cọ xát với không khí trên bề mặt bên ngoài tới 1.600-2.000oC! Không một hệ thống đánh chặn tên lửa hay hệ thống phòng không nào có thể phát hiện và đánh chặn được loại đầu đạn này!

Học thuyết quân sự của Nga chỉ nhằm mục đích phòng thủ

Tổng thống V.Putin nhấn mạnh, Nga phát triển những vũ khí trên đây mà không vi phạm bất kỳ điều luật quốc tế nào và chỉ nhằm mục đích phòng thủ. Học thuyết quân sự của Nga đã xác định, mọi loại vũ khí của Nga chỉ nhằm bảo vệ lợi ích quốc gia của mình và các đồng minh. Nga hoàn toàn có quyền sử dụng vũ khí hạt nhân để đáp trả hành động xâm lược của đối phương trong cuộc chiến tranh sử dụng vũ khí thông thường cũng như vũ khí hạt nhân.

Liên quan tới Học thuyết hạt nhân mới của Mỹ vừa công bố, trong đó trao quyền cho các chỉ huy quân sự sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật, Tổng thống V.Putin nhấn mạnh: “Liên quan tới tình hình hiện nay, tôi thấy mình có bổn phận tuyên bố như sau: bất kỳ hành động sử dụng vũ khí hạt nhân công suất nhỏ, trung bình hoặc bất kỳ công suất nào chống lại Nga và các đồng minh của Nga, đều bị coi là hành động tấn công đất nước chúng tôi. Khi đó, chúng tôi sẽ có hành động đáp trả ngay tức khắc, với tất cả các hậu quả có thể có.

Bất kỳ ai cũng không được nghi ngờ về điều đó. Không nên tạo ra những nguy cơ mới đối với thế giới, mà ngược lại, cần ngồi vào bàn đàm phán để cùng nhau suy nghĩ về một hệ thống an ninh quốc tế mới trong tương lai và sự phát triển bền vững của nền văn minh. Chúng tôi đã từng nói với các đối tác về điều đó và tất cả các đề xuất của chúng tôi vẫn còn hiệu lực và nước Nga đã sẵn sàng đối thoại”.

“Chính sách của chúng tôi không bao giờ tự cho mình có quyền ngoại lệ, chúng tôi chỉ bảo vệ lợi ích của mình và tôn trọng lợi ích của các nước khác, trên cơ sở luật pháp quốc tế và coi Liên Hợp Quốc có vai trò then chốt không thể phủ nhận. Những nguyên tắc và cách tiếp cận ấy cho phép chúng ta xây dựng quan hệ thân thiện, bình đẳng với tất cả các nước trên thế giới"./.

Đại tá Lê Thế Mẫu 

https://viettimes.vn/lanh-gay-loi-canh-bao-cua-v-putin-doi-voi-mynato-166023.html




Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Nga "che ô" tên lửa cho Mátxcơva thế nào (video)

“Hổ Syria” tung đòn đè bẹp IS, đoạt thêm 2 cứ địa bờ đông Euphrates

Nga khiến Mỹ-NATO choáng, thay đổi ván cờ quyền lực thế giới