Mỹ ra tay tại Syria: Quá thâm, quá nguy hiểm
VietTimes -- Trung tá về hưu của quân đội Mỹ Daniel L. Davis đã có những phân tích về tình hình của Mỹ tại Trung Đông. Ông cho rằng Mỹ nên triển khai quân ở những mục tiêu quan trọng, những nhiệm vụ cấp thiết hơn là giữ sự hiện diện quân sự tại Syria.
Thật khó có thể cường điệu thêm tình hình hỗn loạn, bạo lực và khó kiểm soát hiện nay tại Syria. Các thế lực như chế độ Syria, Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ cùng với hàng trăm nhóm phiến quân hay dân quân đang cạnh tranh để đạt được các mục tiêu của mình. Nhưng để giải quyết những tình huống rắc rối Mỹ không cần tới máu của các binh sĩ và tiền thuế của dân.
Ở khu vực đầy bạo lực này, từ từ tiến vào một cuộc chiếm đóng toàn diện và kiến thiết quốc gia (nation-building chỉ nỗ lực kiến thiết các nhà nước theo mô hình dân chủ tự do của Mỹ ở nước ngoài) sẽ là một tình thế mà Mỹ không thể chiến thắng. Washington cần ngay lập tức triển khai lại quân đội Mỹ cho những nhiệm vụ cấp thiết hơn liên quan trực tiếp tới những lợi ích cốt lõi của đất nước.
Không bao giờ nên đưa những quân nhân Mỹ vào nơi nguy hiểm trừ phi sự nguy hiểm tới tính mạng của họ là thật sự cần thiết và khẩn cấp tới an ninh của Mỹ. Hơn nữa, mỗi khi triển khai, họ cần có một nhiệm vụ được xác định rõ ràng và có thể đạt được với các nguồn lực tùy nghi sử dụng. Nhiệm vụ hiện tại của Mỹ tại Syria không có cả hai yếu tố trên.
Thực tế, các tuyên bố trong vài tuần trước của rất nhiều lãnh đạo cao cấp trong Bộ Quốc phòng Mỹ đã chỉ ra một sự hoang mang rằng tại sao quân đội Mỹ vẫn ở Syria và họ đang định hoàn thành nhiệm vụ gì. Có vẻ như chính quyền tổng thống Trump đang gia tăng sự hiện diện quân sự của Mỹ để tạo điều kiện giải phóng các vùng do IS kiểm soát đặc biệt là Raqqa.
Tháng 3.2017, phát ngôn viên của quân đội Mỹ đại tá John L.Dorrian đã nói với cánh phóng viên rằng nhiệm vụ của quân đội là cung cấp "hậu cần và hỗ trợ hỏa lực" cho lực lượng SDF "để tạo ra sự thành công cho một cuộc chiến tại Raqqa". Lực lượng SDF đã hoàn thành nhiệm vụ này vào tháng 10.2017. Nhưng quân đội Mỹ vẫn tiếp tục triển khai.
Thay vào đó, các quan chức của Bộ Quốc phòng Mỹ đã thay đổi nhiệm vụ của quân đội Mỹ tại Syria. Đầu tháng này, từ một tiền đồn quân sự tại Manbij, chỉ huy lực lượng đặc biệt Trung tướng James Jarrad nói: "Vai trò của quân đội được xác định rõ ràng, hiện tại là việc hỗ trợ SDF". Tổng chỉ huy nhiệm vụ của Mỹ tại Syria Thượng tướng Paul E.Funk tuyên bố quân đội ở đây "để đảm bảo những tên IS còn lại trong khu vực này hoàn toàn bị tiêu diệt". Phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Mỹ Eric Pahon thì lại nói sự hiện diện quân sự của Mỹ ở đây cho phép "các công dân của Manbij tiếp tục có những bước tiến để hồi phục thành phố về cuộc sống trước khi xảy ra những cuộc xung đột".
Không có một tuyên bố nào trên đây đạt được mục tiêu mang tính chất quân sự hay phục vụ cho an ninh quốc phòng Mỹ.
Liên tục "hỗ trợ" nhóm dân quân là một "bữa tiệc" trong một cuộc nội chiến tại nước ngoài không phục vụ cho những mục tiêu an ninh của Mỹ. Thất thủ tại Raqqa, IS không còn nắm giữ vùng lãnh thổ nào tại Syria. Ngày nay, Syria là một liều thuốc độc pha trộn bởi sự tranh giành của những nhóm vũ trang, các xung đột lợi ích và sự thay đổi giữa các liên minh.
Không có bất cứ dấu hiệu nào cho thấy cuộc nội chiến sẽ kết thúc sớm. Xung đột chính trị tại đây sẽ không bao giờ có thể giải quyết bằng quân sự. Đây là một vấn đề rất phức tạp về việc cai trị đất nước và sẽ cần mọi người phải tìm kiếm những kết quả khả thi của những giải pháp chính trị để kết thúc chiến tranh. Cần cân nhắc về những sự hỗn loạn quân sự tại Syria.
Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu tấn công Afrin khu vực người Kurd kiểm soát tại Syria vào ngày 20.01.
Đầu tiên, chế độ Syria đang chiến đấu với hàng trăm các nhóm nổi dậy, mà rất nhiều các nhóm này đối lập với nhau như đối lập với chính phủ của ông Assad. Một trong những nhóm lớn nhất là Jabhat Fateh al-Sham thiên hướng ủng hộ al-Qaeda được cho là có khoảng 10.000 tay súng. Sự trỗi dậy của nhóm này sẽ đối chọi với những lợi ích của Mỹ.
Tổng thống Assad còn mời Nga và Iran vào Syria để bảo vệ lãnh thổ. Tất cả các nhóm này đều chống lại sự hiện diện quân sự của Mỹ tại Syria nhưng điều này không ngăn được những can thiệp tiếp theo của Mỹ. Mỹ là một siêu cường và không cần phải trở thành một quốc gia đáng sợ và liên tục phải đáp trả những nước yếu hơn như Nga và Iran.
Thứ hai, quân đội Mỹ đang có mối quan hệ gắn bó với SDF. Đồng minh NATO của Mỹ là Thổ Nhĩ Kỳ lại coi SDF là nhóm khủng bố người Kurd. Ankara công khai thách thức Mỹ và tiêu diệt các thành viên của SDF. Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã cảnh báo quân Mỹ có thể bị tấn công khi can thiệp việc quân Thổ Nhĩ Kỳ thực hiện chiến dịch của họ tại Syria. Tổng thống Erdogan nhận thức rõ mối đe dọa trực tiếp tại vùng biên giới của họ và phải ưu tiên hàng đầu điều này trước mọi lợi ích của Mỹ trong khu vực.
Thứ ba, có một mối rủi ro hiện hữu thật sự với quân Mỹ vì họ có thể bị tấn công bởi các nhóm phiến quân đối lập với SDF, quân Thổ Nhĩ Kỳ, quân đội chính phủ Syria, lính Iran hay từ quân đội hay lính đánh thuê của Nga. Hơn nữa, một cuộc chiến lớn hơn có thể nổ ra nếu quân đội Mỹ vô tình giết chết binh sĩ Nga hay Iran hoặc NATO sẽ tan vỡ nếu Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ giao chiến. Những điều này chẳng giúp gì cho Mỹ tại những khu vực quan trọng hơn được coi là sân sau của Mỹ như châu Á và châu Âu.
Sẽ không thực tế dù chỉ gợi ý rằng có một mối lợi tiềm tàng cho Mỹ để giữ sự hiện diện quân sự trên đất Syria. Tiếp tục sự hiện diện tại đây chỉ làm lãng phí những nguồn tài nguyên quý giá cho những rủi ro phi lý và không thể chấp nhận với những người Mỹ và lợi ích quốc gia. Khi không có một lựa chọn khả thi, Washington cần khôn ngoan và dũng cảm để tạo ra lựa chọn chiến lược tốt nhất cho đất nước. Điều này có nghĩa là ngay lập tức bố trí lại vị trí cho các quân nhân tại Syria - những người không trực tiếp ngăn chặn những đe dọa tới nước Mỹ.
Tiệp Nguyễn
https://viettimes.vn/my-ra-tay-tai-syria-qua-tham-qua-nguy-hiem-166728.html
Nhận xét
Đăng nhận xét