Trung Quốc tăng chi kỷ lục quốc phòng: Chuyên gia Mỹ phán "đáng sợ"


VietTimes -- Trung Quốc lại lập kỷ lục mới về tăng ngân sách quốc phòng. Mặc dù Trung Quốc tích cực giải thích mục đích "phòng thủ" của họ, nhưng giới quan sát cho rằng rõ ràng lực lượng quân sự của Trung Quốc là lực lượng "đáng sợ" khi chỉ tập trung cho khu vực xung quanh Trung Quốc.
Năm 2014, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thị sát Quân khu Nội Mông Cổ. Ảnh: Takungpao.Năm 2014, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thị sát Quân khu Nội Mông Cổ. Ảnh: Takungpao.
Báo cáo ngân sách của Bộ Tài chính Trung Quốc công bố ngày 5/3 tại Quốc hội Trung Quốc cho biết ngân sách quốc phòng năm 2018 của Trung Quốc tăng trưởng 8,1%, đạt 1.106,951 tỷ nhân dân tệ, tương đương khoảng 157,5 tỷ USD, lập kỷ lục mới. Năm 2017, ngân sách quốc phòng của Trung Quốc tăng 7%, năm 2016 tăng 7,6%.
Ngày 4/3, trong cuộc họp báo đầu tiên của Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa 13 Trung Quốc, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Trương Nghiệp Toại đã cố gắng giải thích về việc Trung Quốc tăng ngân sách quốc phòng.
Ông Toại cho hay Trung Quốc đầu tư cho quốc phòng một cách thích hợp, trong đó có một phần đáng kể dùng để bù lại những thiếu hụt trước đây, chủ yếu dùng để đổi mới vũ khí trang bị, cải thiện đời sống quân nhân và điều kiện huấn luyện, sinh hoạt của các đơn vị cơ sở.
Ông Toại giải thích thêm rằng bất kể nhìn vào tỷ trọng ngân sách quốc phòng trong GDP, trong chi tiêu tài chính quốc gia hay mức bình quân đầu người, mức đầu tư cho quốc phòng của Trung Quốc đều thấp hơn các nước chủ yếu trên thế giới. Trung Quốc luôn kiên trì con đường “phát triển hòa bình”, thực hiện chính sách quốc phòng “mang tính phòng thủ”, sự phát triển của Trung Quốc sẽ không tạo ra mối đe dọa cho bất cứ nước nào.
Hiện nay, quy mô chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc chỉ đứng sau Mỹ, tức đứng thứ hai thế giới, nhiều hơn gấp đôi so với Nga, quốc gia đứng thứ ba thế giới (61 tỷ USD, chiếm 2,8% GDP). Chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc còn vượt xa Saudi Arabia (77 tỷ USD), Anh (51 tỷ USD)…
Đáng chú ý, tháng 1/2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump đề nghị ngân sách quốc phòng Mỹ năm 2019 tăng 7,2%, đạt 716 tỷ USD (khoảng 4.532,4 tỷ nhân dân tệ), nhiều hơn gấp 4 lần chi tiêu quốc phòng năm 2018 của Trung Quốc. Ngân sách quốc phòng 2018 của Mỹ chiếm 3,4% GDP.
Tháng 10/2017, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho biết Trung Quốc sẽ hoàn thành hiện đại hóa vào năm 2035, đến năm 2050 sẽ đạt trình độ tiên tiến thế giới.
Tháng 4/2014, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm hỏi một đơn vị quân đội ở Tân Cương. Ảnh: Xinhuanet.Tháng 4/2014, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm hỏi một đơn vị quân đội ở Tân Cương. Ảnh: Xinhuanet.
Theo các chuyên gia Trung Quốc, Trung Quốc tăng ngân sách quốc phòng là phù hợp, thực hiện cân bằng với nhiều nước chủ yếu trên thế giới, nhất là Mỹ, Nga… Trung Quốc sẽ tăng cường tự xây dựng, nâng cao khả năng bảo vệ chủ quyền, an ninh quốc gia, đồng thời thúc đẩy vững chắc các công tác trung tâm như cải cách quân đội.
Trong 5 năm qua, Trung Quốc tập trung xây dựng một đội quân “có thể đánh trận, đánh thắng trận”. Trung Quốc nhận thấy, hình thái chiến tranh hiện nay đã khác vài chục năm trước. Trung Quốc đang tìm cách có được những vũ khí trang bị mới thông tin hóa, do đó rất cần tiền để mua sắm.
Chuyên gia Nga cho rằng Trung Quốc tăng ngân sách quốc phòng là để phản ứng đối với tình hình hiện thực của khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Trước đó, Mỹ coi Trung Quốc và Nga là đối thủ cạnh tranh chiến lược chủ yếu. Ngoài ra, xu hướng ly khai của khu vực Đài Loan đang không ngừng tăng lên, Mỹ còn “thêm dầu vào lửa” trong vấn đề Đài Loan, gây lo ngại cho Bắc Kinh. Môi trường xung quanh của Trung Quốc tương đối phức tạp và nghiêm trọng.
Trung Quốc tích cực giải thích về độ minh bạch trong chi tiêu quốc phòng để làm giảm mối lo ngại cho các nước, cho cộng đồng quốc tế. Tuy nhiên, việc tăng ngân sách quốc phòng của Trung Quốc vẫn bị quan ngại và hứng chịu sự chỉ trích từ nhiều nước và vùng lãnh thổ.
Bộ Quốc phòng Đài Loan cho biết Đài Loan sẽ theo dõi chặt chẽ tình hình chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc. Nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn cam kết sẽ tăng ngân sách quốc phòng hàng năm trong tương lai.
Ủy ban Đại lục của Đài Loan cho rằng: “Đại lục (Trung Quốc) cần xem xét nghiêm túc sự lo ngại của quốc tế, tăng độ minh bạch của ngân sách quốc phòng, từ bỏ triển khai quân sự nhằm vào Đài Loan để tránh mở rộng tình hình căng thẳng khu vực”.
Nhà lãnh đạo Đài Loan bà Thái Anh Văn thị sát một cuộc tập trận ở miền nam Đài Loan.Nhà lãnh đạo Đài Loan bà Thái Anh Văn thị sát một cuộc tập trận ở miền nam Đài Loan.
Chánh văn phòng nội các Nhật Bản nói: “Chúng tôi hy vọng Trung Quốc tăng độ minh bạch của chính sách quốc phòng, bao gồm phương hướng sử dụng kinh phí quân sự và lực lượng quốc phòng”.
Ngày 6/3, Đô đốc Harry Harris, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương quân đội Mỹ cho rằng chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc thiếu minh bạch nghiêm trọng. Ông nói: “Những đầu tư và cam kết này cần được minh bạch hoàn toàn”, “mọi người không thể hiểu rõ được ý đồ của Trung Quốc”.
Báo chí Mỹ nghi ngờ Trung Quốc có những khoản chi tiêu quốc phòng “ngầm”, cho rằng con số chi tiêu quốc phòng do Trung Quốc công bố hoàn toàn không bao gồm rất nhiều chi phí liên quan đến quân sự mà ngân sách quốc phòng các nước khác đề cập đến.
Theo tờ Tin tức Quốc phòng Mỹ: “Các nhà phân tích cho rằng chi tiêu quốc phòng do Trung Quốc công bố không đúng hoàn toàn, bởi vì một bộ phận chương trình nghiên cứu chế tạo trang bị quốc phòng của họ không được đưa vào ngân sách quốc phòng”.
Hãng tin CNN Mỹ đã liệt kê những thành tựu phát triển trang bị những năm gần đây của Trung Quốc như tự chế tạo tàu sân bay (Type 001A hạ thủy năm 2017), biên chế máy bay chiến đấu tàng hình J-20, sắp biên chế tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Đông Phong-41, đưa vào sử dụng căn cứ quân sự ở Djibouti… Ngoài ra, quân đội Trung Quốc còn tăng cường triển khai huấn luyện thực chiến.
CNN cho rằng “mối đe dọa tiềm tàng của Trung Quốc đối với hòa bình” đang tăng lên, “có thể giúp cho nhà lãnh đạo Trung Quốc sử dụng sức mạnh quân sự để triển khai các hành động quá khích hoặc gây ra các cuộc khủng hoảng với các nước xung quanh”.
Theo báo chí Mỹ, mặc dù Trung Quốc nhấn mạnh con đường xây dựng quân đội của họ không tạo ra mối đe dọa cho bất cứ nước nào, nhưng các chuyên gia cho rằng do sức mạnh quân sự của Trung Quốc tăng mạnh và Trung Quốc có các hành động “hung hăng” ở các khu vực như Biển Đông những năm gần đây, cuộc chạy đua vũ trang ở châu Á đã bắt đầu.
Nhà nghiên cứu Timothy Heath từ Công ty RAND Mỹ nói: “Cuộc chạy đua vũ trang ở châu Á đã bắt đầu. Bởi vì chính sách cứng rắn của Trung Quốc, rất nhiều khu vực ở châu Á cảm thấy bất an như Biển Đông, biển Hoa Đông, Đài Loan… Điều này buộc các nước châu Á phải mua sắm hệ thống vũ khí mới và tăng cường quân bị”.
Tổng thống Mỹ Donald Trump coi trọng tăng cường sức mạnh quân sự đối phó Trung Quốc. Ảnh: National Review.Tổng thống Mỹ Donald Trump coi trọng tăng cường sức mạnh quân sự đối phó Trung Quốc. Ảnh: National Review.
Đài Loan, Nhật Bản... và Mỹ đều cảm thấy môi trường an ninh của mình bị ảnh hưởng, những nước và vùng lãnh thổ này đều đã tăng chi tiêu quân sự. Đáng chú ý, chiến lược quốc phòng mới của Mỹ coi Trung Quốc và Nga là mối đe dọa lớn nhất đối với an ninh của Mỹ.
Theo nhà nghiên cứu Timothy Heath, mặc dù ngân sách quốc phòng của Trung Quốc chỉ bằng 1/4 của Mỹ, nhưng xét đến Mỹ là một lực lượng toàn cầu, sức mạnh quân sự của Mỹ phân tán, trong khi đó sức mạnh quân sự của Trung Quốc chỉ tập trung ở khu vực châu Á, vì vậy sức mạnh của Trung Quốc ở châu Á rất “đáng sợ”.
Timothy Heath nói: “Bạn biết rằng, trách nhiệm quân sự của Mỹ mang tính toàn cầu. Sức mạnh quân sự của Trung Quốc chỉ tập trung ở khu vực Đông Á. Cho dù chi tiêu quốc phòng của Mỹ lớn hơn nhiều so với Trung Quốc, lực lượng quân sự Mỹ có thể lấy để ứng phó với các tình huống khẩn cấp ở châu Á chỉ chiếm một phần rất nhỏ của con số này. Một khi Đài Loan hoặc biển Hoa Đông xảy ra xung đột, Trung Quốc có thể điều động tất cả lực lượng quân sự của họ, do đó đây là lực lượng đáng sợ hơn”.
Một nhà nghiên cứu từ Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc phòng, Đại học quốc gia Canberra, Australia cho rằng: “Mức tăng sức mạnh quân sự của Trung Quốc là to lớn. Đây là một sự cảnh báo tiêu cực đối với Australia và các nước khác trong khu vực”.
Theo hãng tin Reuters Anh, chi tiêu quân sự của Trung Quốc tăng mạnh, gây căng thẳng thần kinh cho các nước láng giềng.
Trung Quốc hầu như bỏ ngoài tai những chỉ trích này, đồng thời tìm cách biện hộ. Chuyên gia Trung Quốc cho rằng việc cấu thành chi tiêu quân sự của các nước tương đối phức tạp, nhất là các chương trình liên quan đến cả quân sự và dân sự, chẳng hạn chương trình hàng không vũ trụ của Mỹ. Do đó, phân tách rõ ràng là không thể. 
https://viettimes.vn/trung-quoc-tang-chi-ky-luc-quoc-phong-chuyen-gia-my-phan-dang-so-166577.html

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Lá chắn Mỹ "bó tay" trước tên lửa Triều Tiên?

Tin chắc Nga sa lầy Syria, Mỹ nuốt giận nhìn Mátxcơva khải hoàn chiến thắng

Kích Ukraine "tất tay" với Nga, Mỹ thúc đẩy cấp tên lửa Javenlin