Mỹ sẽ khai hỏa tấn công liên quân Nga-Syria để cứu phe thánh chiến nguy khốn?
VietTimes -- Mỹ đang tiến gần đến một cuộc chiến tranh với Nga hơn bất cứ lúc nào hết kể từ sau cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba, nhưng những người Mỹ bình thường lại không mảy may biết gì về những chuyện đang diễn ra, tác giả Mike Whitney nhận định trong bài viết đăng trên RI.
Đây là những gì đang xảy ra: Tình hình của Mỹ ở Syria đã xấu đi đáng kể trong hai tuần qua. Washington đã hy vọng các chiến binh do CIA hậu thuẫn có thể duy trì một chỗ đứng ở Đông Ghouta để tiếp tục nã pháo và tên lửa vào trung tâm thành phố Damascus, từ đó tạo thêm sức ép lên chính phủ Syria.
Tuy nhiên, dòng chảy các chiến binh thánh chiến từ Raqqa và al Tanf ở phía đông đã bất ngờ bị đội quân thiện chiến thuộc lực lượng dân quân người Lebanon là Hezbollah cắt đứt. Tiếp theo cuộc phong tỏa đó là cuộc bao vây các ổ chiến đấu ở Đông Ghouta do các đơn vị tinh nhuệ thuộc Lực lượng Hổ Syria tiến hành, đã nhanh chóng chia cắt chiến trường thành 3 nồi hầm đang nhỏ lại khi mỗi ngày trôi qua.
Cuộc tấn công trên bộ nhằm vào các khu vực khủng bố của quân đội Syria (SAA) đã diễn ra nhanh chóng, tập trung và dữ dội. Trong một vài ngày, SAA đã chiếm lại 80% lãnh thổ bị phe nổi dậy chiếm đóng, tiêu diệt hàng trăm chiến binh thánh chiến, trong khi các máy bay ném bom của Nga đã oanh tạc dữ dội các vị trí ẩn náu của các chiến binh trong hơn hai tuần. Cuộc oanh tạc chớp nhoáng của Syria là tiếng chuông cảnh tỉnh đối với các lãnh đạo quân sự ở Washington, những người vẫn giữ lấy hy vọng mong manh rằng bộ binh người Sunni có thể cố gắng vô thời hạn và lật ngược cục diện cuộc chiến.
Với sự sụp đổ của Đông Ghouta và việc phần lớn lực lượng ủy nhiệm nước ngoài tiếp tục tháo chạy, hy vọng của Washington đã tan thành mây khói. Nếu trận chiến Aleppo là Stalingrad của Syria (bước ngoặt của Thế chiến II), thì trận Đông Ghouta là Vòng cung Kursk của Syria, "Chiến trường nắm giữ chiếc chìa khóa để giành chiến thắng toàn diện trong chiến tranh". Kết quả cuộc chiến ở Syria là điều không còn phải nghi ngờ. Trục đối kháng (hay còn gọi là Nga-Syria-Iran-Hezbollah) đã chiến thắng.
Đó là lý do vì sao Washington lại đang trong tình trạng hoảng loạn, cuối cùng họ cũng có thể nhận thấy điều tồi tệ sắp xảy ra. Trật tự thế giới mới của họ đã tan thành tro bụi ở một khu đô thị bỏ hoang cách Washington 10.000 dặm. Và đó là lý do tại sao đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Nikki Haley đã có bài phát biểu mạnh mẽ trước Hội đồng Bảo an. Dưới đây là những lời bà Haley tuyên bố vào ngày 12/3:
"Khi cộng đồng quốc tế liên tục không hành động, đó là thời điểm các quốc gia buộc phải tự mình hành động... Mỹ vẫn sẵn sàng hành động khi cần thiết. Đó không phải là con đường chúng tôi mong muốn. Nhưng đó là con đường mà chúng tôi đã chứng minh là chúng tôi sẽ thực hiện, và chúng tôi đã sẵn sàng để thực hiện như thế một lần nữa".
Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley. Ảnh: Reuters
Những lời bà Haley nói là thật? Liệu Washington có thật sự lên kế hoạch không kích quân đội Syria ở Đông Ghouta, dẫn đến việc không thể tránh khỏi giết hại các binh sĩ Lực lượng đặc nhiệm Nga và các cố vấn trong khi hành động, để cứu những chiến binh thánh chiến ủy nhiệm khỏi kết cục sắp bị tiêu diệt? Có đáng làm thế nếu điều này gây nguy cơ nổ ra Thế chiến III?
Sự hoảng loạn ở Washington không giống với bất cứ điều gì tác giả Whitney từng thấy trước đây. Không phải chỉ có bà Haley thực hiện bài phát biểu bất thường mang đậm dấu ấn cá nhân, mà toàn bộ giới chính trị gia và các con rối truyền thông của họ, tất cả đều bị khuất phục bởi cơn cuồng loạn chống Nga. Những người này chỉ đơn giản là đã quên mất thực tế. Nỗi lo lắng chung của họ được thể hiện gần như mỗi ngày thông qua các tiêu đề sử dụng những lời lẽ khiêu khích nhất có thể tưởng tượng được.
Việc bôi nhọ tổng thống Nga Vladimir Putin đã đạt đến mức độ chưa từng thấy trong thời Chiến tranh Lạnh. Chuyện này hoàn toàn điên rồ, và tất cả chỉ vì kế hoạch toàn cầu hóa của Washington sử dụng lực lượng ủy nhiệm nước ngoài để lật đổ chính quyền hợp pháp ở Syria đã thất bại thảm hại. Liệu người Mỹ có cảm thấy xấu hổ về điều này? Liệu họ có cảm thấy có lòng trung thành đối với nhóm người theo chủ nghĩa quốc tế, những người đã giành lấy quyền lực nhà nước và sử dụng quyền lực đó để giết hại và gây thương tật cho người dân khắp Trung Đông nhằm thực hiện kế hoạch thống trị thế giới?
Những tuyên bố rằng Nga đã đầu độc một điệp viên hai mang và con gái ông ta hoàn toàn phù hợp với chiến lược dơ bẩn nhằm phỉ báng các quốc gia đang thật sự bảo vệ các nguyên tắc duy trì trật tự quốc tế gồm: chủ quyền quốc gia, kiểm soát biên giới, quyền tự quyết và không can thiệp. Tất cả các nguyên tắc này đều bị một nước "đặc biệt" tự đặt mình lên trên luật pháp coi như rác.
Không có bằng chứng nào cho thấy Matxcơva liên quan đến vụ đầu độc điệp viên hai mang người Nga cũng như Nga can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016. Không có gì cả. Toàn bộ chuyện này dường như đã tái diễn trò cười của tướng Colin Powell khi tuyên bố virus bệnh than "Anthrax" gây kinh sợ ở Liên Hiệp Quốc, nơi ông đã hy sinh sự tín nhiệm và chính trực của bản thân để lừa dối các đồng minh của Mỹ tham gia vào cuộc chiến hủy diệt Iraq.
Thủ tướng Anh Theresa May đơn thuần chỉ tiếp quản nhiệm vụ ông Powell bỏ lại. Việc của bà là xây dựng kịch bản chiến tranh cho dù có bằng chứng hay không. Một nhóm các nhà lãnh đạo phương Tây đã quyết định rằng Nga phải trả giá cho hành động cứng đầu của mình, và phải làm nhiều hơn nữa để gia tăng sức ép với Nga, cũng như phải thử thách quyết tâm của ông Putin.
Nhưng ông Putin có thể bị đẩy đi bao xa, đó là câu hỏi. Và ông sẽ phản ứng thế nào nếu Washington đưa sự việc đi xa hơn? Ông Putin sẽ phản ứng một cách tương xứng, mạnh mẽ hay không làm gì cả? Washington muốn biết điều này. Họ hiểu là mình đã đi quá xa với các biện pháp trừng phạt, bôi nhọ nói xấu và lực lượng ủy nhiệm có vũ trang. Washington đã quyết định một cuộc đối đầu trực tiếp nhưng có giới hạn sẽ là bước đi hợp lý tiếp theo. Căn cứ một loạt những lời chỉ trích trên các phương tiện truyền thông, tác giả Whitney cho rằng quyết định tấn công đã được đưa ra.
Nga đã trở thành trở ngại lớn nhất cho tham vọng toàn cầu của Washington. Chiến lược quốc phòng quốc gia mới của ông Donald Trump cho thấy khá rõ điều đó. Matxcơva đang ngăn chặn Mỹ thực hiện các kế hoạch vẽ lại bản đồ Trung Đông, kiểm soát các nguồn tài nguyên quan trọng và các đường ống dẫn dầu, hướng đến những thị trường thịnh vượng nhất ở châu Á. Tất cả các kế hoạch này đều đang có nguy cơ bị phá vỡ, và Nga phải chịu trách nhiệm.
Thất bại ở Đông Ghouta làm thay đổi mọi thứ. Tình hình căng thẳng hơn và Washington đang đẩy mạnh chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh với đối thủ lớn nhất của mình. Các tuyên bố thù địch và điên rồ phát đi từ các trụ sở của NATO và từ Anh, Pháp, Đức đều cho thấy rằng ngòi nổ chiến tranh đang được tạo dựng và một cuộc tấn công có thể nhanh chóng được phát động. Thậm chí một số nhà phân tích còn dự đoán cho rằng Mỹ sẽ phóng tên lửa hành trình từ các tàu chiến ở Địa Trung Hải tấn công Syria vào dịp bầu cử tổng thống Nga.
Các nhà lãnh đạo Kremlin tỏ ra nghi ngại trước các mối đe dọa này, và đã cảnh báo nếu Mỹ tấn công quân đội hoặc cố vấn của Nga tại Syria, Nga sẽ trả đũa và sẽ tấn công các bệ phóng tên lửa. Nga sẽ phóng tên lửa vào các tàu chiến của Mỹ ở Địa Trung Hải. Hãy dành một chút thời gian để nghĩ về điều này: Những nhà lãnh đạo ở Washington đang ngẫm nghĩ về một cuộc tấn công dự tính nhằm vào Nga (ở Syria) mà sau đó có thể nhanh chóng leo thang thành một cuộc chiến tranh hạt nhân chỉ để có thể phát hiện ra liệu ông Putin có đang lừa gạt hay không.
Đó chẳng phải là lý do khiến Ngoại trưởng Tillerson bị thay thế bởi ông Pompeo, để những trung gian quyền lực ở hậu trường sẽ đưa một ai đó hiếu chiến thuộc phe tân bảo thủ vào vị trí quyền lực, một người sẽ nhanh chóng tán thành các kế hoạch hủy diệt bằng vũ khí hạt nhân của Mỹ hay sao?
Washington đổ rất nhiều công sức vào đây. Trật tự thế giới mới không phải là điều ảo tưởng, đây là một kế hoạch kết hợp hệ thống ngân hàng, chính sách thương mại, mở cửa biên giới, một đồng tiền chi phối và việc tái tạo liên tục các khoản thu ngân sách dựa trên các công cụ nợ của Mỹ. Đây là một chiến lược để đảm bảo rằng của cải trên thế giới tiếp tục chảy vào các kho bạc căng phồng của các nhà lập pháp phương Tây, những người giám sát hệ thống và điều khiển các cuộc chiến. Tác giả Whitney cho rằng không có bất kỳ lựa chọn nào khác cho những người theo chủ nghĩa toàn cầu hóa hơn là mở một cuộc không kích chính xác từ các tàu chiến ở Địa Trung Hải để xem liệu họ có thể đảo ngược tình hình và có cơ hội giành chiến thắng ở Syria hay không. Mặc dù nghe có vẻ điên rồ, nhưng họ nghĩ đó là một rủi ro đáng để thử.
Hy vọng là ông Putin sẽ không trả đũa, hoặc nếu có ông sẽ không trực tiếp tấn công các tàu chiến Mỹ. Tuy nhiên, đây là một sự đánh cược đầy rủi ro, xét đến cùng nếu ông Putin không tấn công các bệ phóng tên lửa, thì rất có thể ông cũng sẽ bị cuốn vào những cuộc tấn công tương tự trong tương lai. Vậy nên ông Putin phải trả đũa hoặc phải đối mặt với những hậu quả trong tương lai.
Mấy tuần nữa tình hình sẽ rất căng thẳng. Đã tới thời điểm Mỹ sẽ phải đối đầu với quân đội Nga hoặc phải chấp nhận rằng kế hoạch thâm sâu của họ ở Syria đã thất bại. Nhưng theo chuyên gia Whitney, Mỹ vẫn chưa sẵn sàng từ bỏ việc hoạch định chính sách đối ngoại. Mỹ sẽ thực hiện điều gì đó rất nguy hiểm. Họ sẽ mạo hiểm và hy vọng không gặp phải kết quả tồi tệ nhất.
Hồng Nhung
https://viettimes.vn/my-se-khai-hoa-tan-cong-lien-quan-ngasyria-de-cuu-phe-thanh-chien-nguy-khon-168080.html
Nhận xét
Đăng nhận xét