Lò lửa Syria sôi sục, hai nguy cơ leo thang chiến tranh


VietTimes -- Vạc dầu Syria vài tuần gần đây đang trở nên nóng bỏng hơn và đang có hai nguy cơ leo thang căng thẳng.
Chiến đấu cơ F-16 của Israel Chiến đấu cơ F-16 của Israel
Một là sự nguy cơ bùng nổ cuộc chiến khác giữa Israel và các nước láng giềng. Nguy cơ này bắt nguồn từ sự kiện Israel bắn rơi máy bay không người lái của Iran tiến vào không phận của Israel. Sau đó, một số máy bay F-16 của Israel đã tấn công một trung tâm chỉ huy ở Syria, và hệ thống phòng không của Syria đã bắn hạ một trong số các chiến đấu cơ của Israel (đây là một sự cố hiếm khi xảy ra với Israel). Sau đó, Israel đã tiến hành một loạt các cuộc không kích vào lãnh thổ Syria.
Israel đã tiến hành nhiều cuộc tấn công ở Syria trong vòng 5 năm qua, nhưng cuộc tấn công này có thể coi là cuộc tấn công lớn nhất của Israel kể từ thập niên 1980. Một cuộc chiến tranh mới có sự can dự của Israel chắc chắn sẽ kéo theo lực lượng Hezbollah của Li-băng.
Tuy nhiên, theo National Interest, không có dấu hiệu nào cho thấy Hezbollah mong muốn một cuộc chiến tranh như vậy. Lực lượng này đã khiến chi phí chiến tranh ngày càng gia tăng khi tham chiến ở Syria và gây ra rất nhiều thiệt hại. Lãnh đạo nước này vẫn hối hận vì chính sách “bên miệng hố chiến tranh” đã khiến Hezbollah rơi vào một cuộc chiến với Israel. Cho dù có thể tấn công bằng tên lửa xuyên biên giới, các lãnh đạo của lực lượng này biết rằng trong một cuộc đụng độ mới, họ sẽ bị tấn công dữ dội và đẫm máu bởi kẻ thù có khả năng quân sự mạnh hơn.
Trong khi đó, Israel vẫn chưa thể hiện rõ ý đồ của mình. Ưu thế vượt trội rõ ràng về quân sự sẽ giúp Israel chiến thắng trong một cuộc chiến mới. Ý định leo thang chiến tranh của Israel được thể hiện khá rõ trong những ngày gần đây. Chiếc máy bay không người lái của Iran có thể đã không bị bắn, và nó thậm chí còn có thể không được trang bị vũ khí. Một cuộc chiến mới với đồng minh Hezbollah của Iran cũng phục vụ cho mục đích của Thủ tướng Benjamin Netanyahu là kích động phe diều hâu Mỹ chống Iran, tập hợp họ cô lập và trừng phạt Iran mạnh hơn, buộc chính quyền ông Trump không chấp nhận thỏa thuận ngăn chặn chương trình hạt nhân của Iran.
Một quân bài khác là các cáo buộc tham nhũng đối với ông Netanyahu và có khả năng ông sẽ sử dụng cuộc xung đột ở bên ngoài để chuyển hướng sự chú ý ra khỏi vụ bê bối tham nhũng và nâng cao vị thế chính trị trong nước của ông. Uri Avnery, một nhà bình luận là cựu chiến binh của Israel viết: "Khi bạn là thủ tướng và gặp rắc rối ở trong nước, điều đầu tiên bạn nghĩ đến là một cuộc khủng hoảng quân sự. "
Lò lửa Syria sôi sục, hai nguy cơ leo thang chiến tranh - ảnh 1Người biểu tình kêu gọi Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu từ chức, 16/2/2018.
Một mối nguy hiểm khác đang diễn ra ở phía bắc của Syria, nơi rất có khả năng sẽ diễn ra các cuộc chiến tranh ủy thác của Mỹ và thậm chí là quân Mỹ sẽ đụng độ trực tiếp với một thành viên của NATO- Thổ Nhĩ Kỳ. Nguồn gốc của cuộc khủng hoảng này chính là vì Mỹ tin rằng người Kurd là lực lượng chiến đấu chống IS hiệu quả nhất. Trong khi đó, Thổ cũng tin rằng người Kurd ở Syria có quan hệ gắn bó chặt chẽ với PKK, lực lượng người Kurd ở Thổ Nhĩ Kỳ từng tiến hành các chiến dịch khủng bố và khởi nghĩa quy mô lớn chống lại nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ.
Các cuộc đàm phán của Ngoại trưởng Rex Tillerson ở Ankara dường như là để làm giảm căng thẳng một thời gian, nhưng nguồn gốc sâu xa của căng thẳng vẫn chưa được giải quyết thì Mỹ cũng đừng mong Thổ Nhĩ Kỳ thay đổi, National Interest nhận định.
Để đối phó với cả hai vấn đề này và để tránh những thiệt hại đáng kể mà cuộc chiến từ một trong hai mặt trận gây ra, hai vấn đề này cần được các bên nhận thức rõ ràng. Một là IS đã bị đánh bại. Các quan chức Mỹ đang bàn luận về cách tái chiếm 2% vùng lãnh thổ do IS chiếm giữ, nhưng quan điểm này khiến vấn đề về IS lại trở thành một vấn đề quân sự xâm chiếm đất đai đơn thuần.
National Interest  cho rằng khi IS là một nhà nước chiếm đóng phần lớn lãnh thổ Syria và Iraq, nó chỉ một phần là vấn đề quân sự. Nhưng bây giờ nhà nước này không còn nữa, IS giờ đây đã trở thành nhóm khủng bố quốc tế truyền thống, và đối phó với lực lượng này cần những biện pháp chống khủng bố truyền thống hơn. Đối với 2% đất đai đó, vấn đề là không chỉ phải giảm việc IS quay lại mà còn phải giảm tính hiệu quả của chúng.
Một hiện thực khác khó chấp nhận hơn với Mỹ là chế độ Syria với sự hậu thuẫn của Nga và Iran đã chiến thắng trong cuộc nội chiến kéo dài dai dẳng trên đất nước này. Với sự chia rẽ và chiến đấu kém hiệu quả của lực lượng đối lập ở Syria, kết quả sẽ không thể nào khác đi. Đối với ngoại bang như Mỹ, nước đã can thiệp vào cuộc chiến bằng cách tài trợ cho phe nổi loạn, thì việc tiếp tục duy trì kiểm soát một phần lãnh thổ Syria cũng chẳng khác nào việc Nga bị tố can thiệp ở Donbass, Ukraine.
Và là một quốc gia có chủ quyền, Syria có thể chọn đối tác và đồng minh. Từ trước đến nay, nước này vẫn duy trì quan hệ tốt với cả Mátxcơva và Tehran. Và trong những năm Assad cầm quyền, với sự trợ giúp của Nga và Iran, chế độ Assad đã bớt căng thẳng với Israel, Israel được hưởng đường biên giới tương đối yên ổn cho dù vẫn chiếm đóng một phần lãnh thổ Syria. Nước này tiếp tục được hưởng điều này dù cho chiến tranh vẫn kéo dài ở Syria. Những cuộc tấn công xuyên biên giới chủ yếu đến từ Israel chứ không phải chiều ngược lại.
Để tránh đẩy căng thẳng lên cao, National Interest cho rằng về phần mình, Mỹ nên ngừng việc kiểm soát lãnh thổ Syria hoặc sử dụng chiến tranh ủy thác. Mỹ cũng không có quyền tiếp tục thực hiện những điều này, vì chúng không cần thiết trong việc tiêu diệt IS và cũng không khiến các nước khác ngừng leo thang căng thẳng hay ngừng can dự. Mỹ nên tham gia vào hoạt động ngoại giao đa phương một cách nghiêm túc và bao trùm nhằm kiềm chế và làm giảm xung đột ở Syria, điều mà chính quyền Donald Trump chưa thực hiện được. Mỹ vẫn để Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ thực hiện các hoạt động ngoại giao.
Một giải pháp toàn diện về cuộc xung đột ở Syria vào thời điểm này có thể là ngoài tầm với, nhưng những điều chỉnh, bố trí lại và hạn chế ngầm là hoàn toàn khả thi, có thể giúp làm giảm nguy cơ bùng nổ leo thang. Damascus, Matxcơva và Tehran đều có những điểm mà họ coi là lợi ích cốt lõi ở Syria, nhưng họ lại khá linh hoạt về một số vấn đề nằm ngoài lợi ích cốt lõi, khiến Israel và Thổ Nhĩ Kỳ lo lắng. Những vấn đề này có thể bao gồm việc đóng quân ở trong Syria và các hoạt động như sản xuất vũ khí. Cả Nga và Iran đều có lợi ích nếu chiến tranh tiếp diễn ở Syria, cho dù họ cũng có lợi ích cơ bản trong việc duy trì quan hệ an ninh và chính trị với Syria.
Tuy nhiên những điều chỉnh và hạn chế không thể chỉ đến từ một phía. Để tránh leo thang căng thẳng, Israel sẽ phải xa rời khuynh hướng đảm bảo an ninh một cách tuyệt đối, cho dù điều này có thể gây mất an ninh đối với một bên nào đó. Nhà báo Ronen Bergman cho biết cuộc điện thoại của ông Putin tuần qua đã ngăn ông  Netanyahu không leo thang quân sự hơn nữa. Giờ đây là lúc để xem liệu 3,8 tỷ USD mà Mỹ tài trợ cho Israel có mang lại ảnh hưởng gì không. 
Đặng Phương Thảo
https://viettimes.vn/lo-lua-syria-soi-suc-hai-nguy-co-leo-thang-chien-tranh-165142.html

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Lá chắn Mỹ "bó tay" trước tên lửa Triều Tiên?

Tin chắc Nga sa lầy Syria, Mỹ nuốt giận nhìn Mátxcơva khải hoàn chiến thắng

Kích Ukraine "tất tay" với Nga, Mỹ thúc đẩy cấp tên lửa Javenlin