Syria bắn hạ F-16 Israel, ba cuộc chiến nổi lên
VietTimes -- Sự cố quân đội Syria bắn rơi máy bay chiến đấu F-16 của Israel gần đây đã đánh dấu sự leo thang nghiêm trọng trong cuộc nội chiến Syria. Nhưng nó cũng phản ánh một thực tế đang diễn ra và đang ngày càng trở nên nguy hiểm hơn, đó là cuộc chiến ở Syria đã kéo theo ít nhất ba cuộc xung đột quốc tế khác.
Chỉ riêng trong một vài tuần qua đã có rất nhiều sự việc xảy ra: Thổ Nhĩ Kỳ đã đụng độ với người Kurd ở Syria và đe dọa thị trấn do Mỹ kiểm soát ở Syria; để đáp trả lại cuộc tấn công của Iran vào Israel được thực hiện từ Syria, máy bay của Israel đã tấn công chống máy bay Syria, khiến hai phi công Syria phải nhảy dù xuống lãnh thổ Israel. Và quân đội Mỹ tuyên bố đã đẩy lùi được một cuộc tấn công của lực lượng chính phủ Syria, cuộc tấn công được cho là có thể giết chết hàng trăm tay súng.
Mỗi cuộc đụng độ này đều có tiềm năng trở thành một cuộc xung đột nguy hiểm. Khi ba sự cố này diễn ra cùng lúc, chúng giúp lý giải tại sao sau khi đánh bại IS, Syria vẫn không thể hy vọng sớm ổn định đất nước, đồng thời lý giải tại sao tương lai ở Syria có thể còn tồi tệ hơn. “Vấn đề nằm ở căng thẳng trong các tam giác quan hệ giữa người Kurd- Thổ Nhĩ Kỳ- Mỹ và giữa Iran- Syria- Israel,” Ryan Crocker, một cựu đại sứ Mỹ tại Syria đã nhận định. “Nhưng chúng ta đã đạt đến mức độ chưa từng thấy trước đó, và tất cả đều đang xuất hiện cùng một lúc".
Các vụ đụng độ gần đây xảy ra hết sức đột ngột, nhưng Defense One cho rằng các điều kiện cho các vụ đụng độ này đã được đặt ra ngay sau khi các cuộc biểu tình chống chế độ Assad phát triển thành một cuộc nội chiến 7 năm trước. Cuộc xung đột đã nhanh chóng kéo theo sự tham gia của các nước khác. Iran đã tham gia vào cuộc chiến từ năm 2011 để giúp chế độ Assad chống lại các cuộc biểu tình trên khắp đất nước.
Hezbollah, lực lượng dân quân Li-băng được coi như lực lượng chiến đấu ủy thác của Iran ngay sau đó cũng tham gia vào cuộc chiến, ở thời điểm chế độ này sắp sửa sụp đổ, giúp Assad cản chân phiến quân- lực lượng được Mỹ hậu thuẫn. Mỹ bắt đầu ném bom IS và al-Qaeda ở Syria vào năm 2014. Sau đó vào năm 2015, khi chính quyền Assad lại rơi vào nguy hiểm thì Nga đã bước chân vào cuộc chiến này.
Alina Polyakova, một thành viên của Chương trình Chính sách Đối ngoại, Viện Brookings, cho rằng: "Mục tiêu số một của tổng thống Nga Putin ở Syria là ổn định và làm chỗ dựa cho chế độ Assad, chống lại phiến quân hay IS dưới sự kiểm soát của chế độ này… Còn mục tiêu chiến lược của ông Putin là biến Nga thành nước trung gian chính ở Trung Đông".
Trong khi Mỹ hỗ trợ cho nhiều nhóm phiến quân, lực lượng người Kurd ở Syria tỏ ra là lực lượng chiến đấu hiệu quả nhất. Đây cũng là nguồn gốc nỗi lo sợ của Thổ Nhĩ Kỳ, vì chính phủ nước này trong nhiều thập kỷ đã chiến đấu chống lại sự trỗi dậy của người Kurd ở bên trong lãnh thổ. Thổ Nhĩ Kỳ coi người Kurd liên minh với Mỹ là lực lượng khủng bố, trong khi Thổ cũng phản đối chính phủ Syria. Do đó Thổ Nhĩ Kỳ đã hỗ trợ các nhóm phiến quân khác, bao gồm cả các nhóm phiến quân Hồi giáo chống lại Assad.
Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ, ông Cavusoglu tuyên bố Ankara ủng hộ nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc
Năm 2014, IS nổi lên là lực lượng khủng bố man rợ chiếm cứ phần lớn lãnh thổ Iraq và Syria. Động lực tiêu diệt lực lượng này khiến các cuộc xung đột khác tạm thời không phải là ưu tiên đối với nhiều nước liên quan. Mỹ, đồng minh và đối thủ đều dồn lực đánh IS.
Đến tháng 11/2017, IS về cơ bản đã bị tiêu diệt trên lãnh thổ Syria, Assad vẫn tại vị dù không kiểm soát được toàn bộ đất nước, và các bên khác trong cuộc xung đột bắt đầu kêu gọi một giải pháp chính trị mới ở Syria. Tuy nhiên nguồn gốc của cuộc nội chiến và các kẻ thù khiến cuộc chiến kéo dài vẫn chưa hề biến mất.
Mona Yacoubian, cố vấn cao cấp của Syria, Trung Đông, và Bắc Phi tại Viện nghiên cứu Hòa bình Mỹ nhận định: “Khi Syria tham gia vào một giai đoạn nguy hiểm hơn, các bên liên quan chủ chốt sẽ tìm cách giữ vững sự hiện diện và đảm bảo quyền lợi của họ ở đất nước này".
Defense One nhận định việc lợi ích của các bên ở đây bị phản đối là nguyên nhân khiến cuộc xung đột kéo dài. Assad sẽ cố gắng củng cố và mở rộng tầm kiểm soát của mình trên cả nước. Thổ Nhĩ Kỳ sẽ cố gắng không cho người Kurd thiết lập vùng bán tự trị ở biên giới nước này. Người Kurd sẽ chiến đấu để bảo vệ lãnh thổ mà họ giành được. Iran muốn thu được lợi ích từ việc đầu tư vào chế độ Assad. Israel cương quyết phản đối sự hiện diện quân sự lâu dài của Iran và Hezbollah sát biên giới Israel ở miền Nam Syria. Mỹ muốn đảm bảo IS không tái xuất hiện và đã tuyên bố ưu ái cho Assad tránh sang một bên. Nga muốn duy trì chế độ Assad và vị thế một nước trung gian đầy quyền lực ở Trung Đông.
“Đó không phải là hỗn loạn, nhưng lại cực kỳ nguy hiểm vì bạn không biết điều gì sắp xảy ra", Crocker cho hay. “Vào thời điểm này, không bên nào, kể cả Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ, người Kurd, Iran, Hezbollah, Nga, và Assad mong muốn một cuộc chiến tổng lực".
Tuy nhiên điều này cũng không ngăn chặn những nước tham gia vào cuộc xung đột tìm cách chống lại kẻ thù mà không phải gánh chịu hậu quả, vì cuộc chiến gần đây liên quan đến Thổ và người Kurd, Iran và Israel, Nga và Mỹ.
Dẫu vậy trong mỗi trường hợp, nguy cơ leo thang đều được ngăn chặn. Trong trường hợp của Thổ Nhĩ Kỳ và người Kurd, lời đe dọa của Mỹ có thể đã ngăn chặn Thổ không tấn công mạnh hơn. Trong trường hợp của Iran và Israel, một nguồn tin cho hay một cuộc điện thoại giận dữ từ điện Kremlin đã ngăn chặn được cuộc tấn công lớn hơn của Israel vào lực lượng chiến đấu ủy thác của Iran ở Syria.
Và trong trường hợp của Nga và Mỹ, một nhân tố chủ chốt là chính là sự phủ nhận hoàn toàn: Nga tuyên bố những chiến binh đối đầu với quân Mỹ ở Syria có thể là một số lính đánh thuê cho nhà thầu tư nhân, do đó chính phủ không hề hay biết hoạt động của họ.
Yacoubian nhận định: "Chúng ta không thể đánh giá quá cao sức mạnh của các động lực mới- kết quả của giai đoạn mới ở Syria mà chúng ta đang tiến vào, nơi mà nguyên trạng đã bị phá vỡ hoàn toàn và bạn đang chứng kiến các nhân tố chủ chốt trong khu vực tranh giành lẫn nhau và tìm cách định hình cho tương lai Syria, đồng thời cũng đặt ra những giới hạn đỏ và lợi ích cho họ… Và tôi cho rằng giai đoạn mới sẽ diễn ra theo nhiều cách trong nhiều tháng tới, hoặc có thể là nhiều năm tới".
Đặng Phương Thảo
https://viettimes.vn/syria-ban-ha-f16-israel-ba-cuoc-chien-noi-len-165611.html
Nhận xét
Đăng nhận xét