Mỹ kích hoạt cuộc đua vũ khí hạt nhân mới, Nga -Trung Quốc phản đối kịch liệt


VietTimes -- Chiến lược hạt nhân mới của Mỹ đã mở rộng phạm vi sử dụng vũ khí hạt nhân, có thể phát đi tín hiệu "sai lầm" cho cộng đồng quốc tế, gây ra chạy đua vũ khí hạt nhân mới, nhưng được đồng minh Nhật Bản hoan nghênh.
Ngày 2/2/2018, Mỹ công bố chiến lược hạt nhân mới. Ảnh: VOA.Ngày 2/2/2018, Mỹ công bố chiến lược hạt nhân mới. Ảnh: VOA.

Ngày 2/2/2018, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố "Báo cáo đánh giá tình trạng hạt nhân" (NPR), đưa ra phương hướng chiến lược hạt nhân mới của Mỹ trong 5 - 10 năm tới. Chiến lược mới này của ông Donald Trump đã thay đổi chính sách giải trừ vũ khí hạt nhân trước đó của cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama, chuyển sang tăng cường khả năng răn đe hạt nhân.
Chiến lược này có 2 điểm đáng chú ý: Một là loại bỏ bớt trở ngại sử dụng vũ khí hạt nhân. Mặc dù tiếp tục kế thừa phương châm trước đây "sử dụng chỉ trong trường hợp Mỹ và đồng minh rơi vào tình trạng cùng cực", nhưng báo cáo cho biết tình trạng cùng cực bao gồm "các cuộc tấn công bằng vũ khí phi hạt nhân quan trọng, mang tính chiến lược nhằm vào người dân, hạ tầng cơ sở, cơ sở hạt nhân", rõ ràng đã đưa ra các phương án sử dụng vũ khí hạt nhân để đáp trả sau khi bị tấn công bằng vũ khí thông thường.
Hai là phát triển vũ khí hạt nhân mới. Báo cáo rõ ràng đề xuất phát triển mới tên lửa hành trình hạt nhân phiên bản hải quân và tên lửa đạn đạo mang đầu đạn hạt nhân cỡ nhỏ trang bị cho tàu ngầm. So với những vũ khí hạt nhân cỡ lớn dùng để phá hủy các đô thị lớn của đối phương, uy lực của đầu đạn mới tương đối nhỏ.
Mỹ có kế hoạch sử dụng vũ khí hạt nhân này cho các cuộc chiến tranh cục bộ, phá hủy các căn cứ, hạ tầng của quốc gia thù địch, nỗ lực giảm thiệt hại cho nhân viên phi chiến đấu. Việc sử dụng vũ khí hạt nhân mới được trang bị trên tàu ngầm sẽ trở nên linh hoạt hơn trong các trường hợp cụ thể.
Chiến lược hạt nhân mới của Mỹ được Nhật Bản hoan nghênh. Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono ngày 3/2 đã tiến hành "đánh giá cao" đối với "Báo cáo đánh giá tình trạng hạt nhân" của Mỹ, bởi vì Mỹ chủ trương sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân để bảo vệ đồng minh.
Tàu ngầm hạt nhân chiến lược lớp Ohio của hải quân Mỹ. Ảnh: Xinhuanet.Tàu ngầm hạt nhân chiến lược lớp Ohio của hải quân Mỹ. Ảnh: Xinhuanet.

Nhưng báo cáo này lại bị các nước "đối thủ" của Mỹ như Nga, Trung Quốc, Iran, Triều Tiên phản đối kịch liệt. Nga bày tỏ thất vọng với nội dung báo cáo "chống Nga" này và cho biết sẽ "buộc phải áp dụng các biện pháp cần thiết".
Ngày 6/2, Bộ Ngoại giao Triều Tiên cho rằng chính sách hạt nhân mới của Mỹ cho thấy Mỹ có ý đồ và dã tâm lấy vũ khí hạt nhân để xưng bá thế giới. Chủ trương tấn công hạt nhân của Mỹ bị Triều Tiên ví như một “lời tuyên chiến chiến tranh hạt nhân với toàn thế giới”.
Đáng chú ý, trong báo cáo này xuất hiện một vài "lỗi nhỏ" như một biểu đồ trong dự thảo báo cáo đã cắm quốc kỳ Triều Tiên trên khu vực đại diện cho toàn bộ bán đảo Triều Tiên. Điều này đã được sửa chữa trước khi công bố báo cáo.
Ngoài ra, phiên bản ban đầu của báo cáo này còn có một biểu đồ miêu tả nước Nga, đưa vào cả các đảo tranh chấp giữa Nga và Nhật Bản. Sau đó, vào cuối tuần, trang web của Bộ Quốc phòng Mỹ đã gỡ bỏ báo cáo này.
Theo nhà nghiên cứu chương trình quốc phòng Mỹ Adam Mount, mặc dù không có ý đồ gì, nhưng những "lỗi" trong báo cáo đã làm trầm trọng hơn va chạm với các đồng minh châu Á. Cộng với những phát ngôn trước đây của ông Donald Trump về Hàn Quốc, báo cáo chiến lược hạt nhân của Mỹ tiếp tục "gây chuyện lớn".
Chiến lược hạt nhân mới của Mỹ đã gây lo ngại cho dư luận trong nước và quốc tế. Chuyên gia Michael T. Klare, Hiệp hội kiểm soát vũ khí Mỹ cho rằng chính sách mới của Mỹ xác định vũ khí hạt nhân đóng vai trò ngày càng quan trọng. Báo cáo này có thể phát đi tín hiệu sai lầm cho cộng đồng quốc tế, gây ra một cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân mới. Việc Mỹ coi trọng phát triển vũ khí hạt nhân có thể làm cho các nước khác thấy vũ khí hạt nhân có “sức hấp dẫn” hơn.
Phong trào quốc tế loại trừ vũ khí hạt nhân (ICAN) cho rằng chính sách hạt nhân mới của Mỹ mang tính "xâm lược", là "chính sách chiến tranh", làm cho thế giới quay trở lại tư duy Chiến tranh Lạnh. Mỹ sẽ tiếp tục tiến hành đối đầu nước lớn với Nga.
Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono đánh giá cao chính sách hạt nhân mới của Mỹ. Ảnh: VCG/Dwnews.Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono đánh giá cao chính sách hạt nhân mới của Mỹ. Ảnh: VCG/Dwnews.

Trong một tuyên bố, ông Donald Trump cho biết chiến lược của Mỹ "nhằm làm cho việc sử dụng vũ khí hạt nhân càng không có khả năng", nhưng theo các nhà phân tích, những việc đưa ra trong "Báo cáo đánh giá tình trạng hạt nhân" của Mỹ lại trái ngược.
Việc Mỹ chủ trương phát triển vũ khí hạt nhân mới sẽ dẫn tới nhiều tình huống báo thù hạt nhân hơn. Chính sách hạt nhân mới của Mỹ có thể thúc đẩy chạy đua phát triển vũ khí hạt nhân và gây ra chiến tranh hạt nhân.
Lưu Xung, phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu an ninh và kiểm soát vũ khí, Viện nghiên cứu quan hệ quốc tế hiện đại Trung Quốc cho rằng Mỹ mở rộng phạm vi sử dụng vũ khí hạt nhân, phát triển vũ khí hạt nhân chiến thuật là một chính sách rất nguy hiểm, có thể trở thành mầm họa lớn của ổn định chiến lược toàn cầu và hòa bình quốc tế trong tương lai.
Một điểm tích cực trong báo cáo chiến lược hạt nhân mới là Mỹ vẫn giữ thái độ tích cực với việc tăng cường đối thoại với Nga và Trung Quốc. Mỹ hy vọng thông qua tăng cường giao lưu với các nước lớn như Nga, Trung Quốc, có thể giảm rủi ro hiểu nhầm, đoán nhầm, thiết thực bảo vệ sự ổn định chiến lược toàn cầu, làm cho răn đe hạt nhân thực sự trở thành nền tảng của bảo đảm hòa bình thế giới, chứ không phải thùng thuốc súng phá hủy xã hội loài người.


 Phong Vân

https://viettimes.vn/my-kich-hoat-cuoc-dua-vu-khi-hat-nhan-moi-nga-trung-quoc-phan-doi-kich-liet-163501.html

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Nga "che ô" tên lửa cho Mátxcơva thế nào (video)

“Hổ Syria” tung đòn đè bẹp IS, đoạt thêm 2 cứ địa bờ đông Euphrates

Nga khiến Mỹ-NATO choáng, thay đổi ván cờ quyền lực thế giới