Biển Đông: Mỹ trước 4 chiến lược ‘cầm chân’ Trung Quốc


VietTimes -- Việc mất đi những lợi ích chiến lược tại Biển Đông sẽ gây ảnh hưởng tới vị thế của Mỹ trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Hiện tại, chính quyền của Tổng thống Donald Trump có 4 lựa chọn chiến lược trong khu vực: gây sức ép, ngăn chặn, bù đắp và hòa giải, Defense One phân tích.
Chiến lược an ninh quốc gia của chính quyền Tổng thống Donald Trump đặc biệt chỉ trích Trung Quốc, cảnh báo "những nỗ lực của Trung Quốc để xây dựng và quân sự hóa phi pháp những thực thể tại Biển Đông gây nguy hiểm cho vận chuyển thương mại tự do, đe dọa chủ quyền của nhiều quốc gia và gây nguy hại cho ổn định khu vực".

Các nhà lãnh đạo Mỹ đã công bố chính sách "Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở" nhưng họ còn chưa giải thích có thể áp dụng và thi hành chính sách này tại Biển Đông như thế nào. Trong khi đó theo Defense One, tình huống trong khu vực đang ở trạng thái nguy cấp vì các hành động leo thang của Trung Quốc. Không gian để Mỹ diễn tập quân sự bị thu hẹp. Và các nhà quan sát trong khu vực thì đang hy vọng Mỹ sẽ đối đầu với thách thức từ phía Trung Quốc.

Biển Đông: Mỹ trước 4 chiến lược ‘cầm chân’ Trung Quốc - ảnh 1 Mỹ đã tiến hành chiến dịch tuần tra bảo vệ tự do hàng hải (FONOP) để "thử" Trung Quốc.

Muốn thực thi chính sách Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, Mỹ cần có khả năng để duy trì những luật lệ đã có sẵn trên con đường. Đặc biệt, Mỹ cùng các đồng minh và đối tác phải bảo vệ tuyên bố "tự do hàng hải, không phận quốc tế, tôn trọng luật quốc tế và giải quyết hòa bình các tranh chấp". Nhưng từ quan điểm địa chính trị, rắc rối tại Biển Đông không phải ở những đảo đá hay các vùng nước nông mà là ai sẽ tạo ra cơ cấu địa chính trị trong khu vực để các nước Đông Nam Á hay những khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương sẽ đứng cùng hàng với Mỹ hay Trung Quốc.
Chính quyền Mỹ thời ông Obama đã bất lực trong việc phát triển một chiến lược hiệu quả để ngăn chặn tham vọng Trung Quốc tại Biển Đông. Bắc Kinh đã ngang nhiên xây dựng nhiều công trình trên các đảo nhân tạo ở Biển Đông bất chấp luật pháp quốc tế, đe dọa các tàu chiến và máy bay Mỹ, uy hiếp Mỹ và các đồng minh, sử dụng nhiều chiến thuật để lấn át.

Chính quyền của ông Trump có tiến triển hơn. Các nhà lãnh đạo Mỹ hiện tại đã chọn đường lối cứng rắn. Ngoại trưởng Rex Tillerson nói Washington từng tuyên bố sẽ ngăn Bắc Kinh tiếp cận những đảo nhân tạo xây dựng phi pháp ở Biển Đông. Nhưng vấn đề chính sách của Mỹ với Trung Quốc chỉ có thể áp dụng được khi giải quyết được vấn đề thương mại song phương giữa hai nước cùng vấn đề Triều Tiên. Mặc dù quân đội Mỹ đã tiến hành chiến dịch tuần tra bảo vệ tự do hàng hải (FONOP) để "thử" Trung Quốc nhưng các nhà lãnh đạo tại Washington đang thiếu một chiến dịch tổng thể để giải quyết những leo thang của Bắc Kinh.

Bốn lựa chọn chiến lược

Để có một chiến lược đúng đắn tại Biển Đông, Mỹ cần nghĩ một cách có hệ thống họ sẽ đạt được gì và lường trước có những rủi ro gì. Trong những năm gần đây, Mỹ thường căng thẳng với Trung Quốc vì sự cứng rắn của Bắc Kinh.

Nhưng vẫn chưa có một thảo luận có chiều sâu về một chương trình khả thi để Mỹ đạt được mục tiêu lâu dài của mình - Cái giá phải trả và những rủi ro Mỹ phải chấp nhận nếu thực hiện theo chương trình đó. Và có 4 chiến lược Mỹ có thể lựa chọn để chống lại thái độ cứng rắn của Trung Quốc tại Biển Đông: gây sức ép, ngăn chặn, bù đắp hoặc hòa giải.

Gây sức ép

Chiến lược tham vọng nhất là đảo ngược tình huống tại Biển Đông. Tìm cách ép Bắc Kinh phải rút lui hay ít nhất loại bỏ các căn cứ xây dựng trái phép và những tài sản quân sự của họ tại đây. Bắt Trung Quốc phải từ bỏ tuyên bố về cái gọi là "đường 9 đoạn" vô căn cứ, trái luật pháp và tôn trọng phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế.

Tiền đề của chiến lược gây sức ép là do Trung Quốc gia tăng những hành động quá khích ở Biển Đông, gây ra những rủi ro không thể chấp nhận được với lợi ích của Mỹ và Biển Đông trở thành "ao nhà của Trung Quốc". Nhưng chiến lược này rất khó thực hiện với cái giá Mỹ có thể chấp nhận.
Biển Đông: Mỹ trước 4 chiến lược ‘cầm chân’ Trung Quốc - ảnh 2 Gây sức ép là chiến lược thường được áp dụng trong thời kỳ chiến tranh lạnh nhằm bắt một nước phải thay đổi chính sách. Rất khó để Mỹ áp dụng chiến lược này tại Biển Đông.

Ngay cả trong trường hợp lý tưởng nhất, việc gây sức ép sẽ phá vỡ mối quan hệ song phương Mỹ - Trung. "Gây sức ép" sẽ làm cho rất nhiều đồng minh và các đối tác của Mỹ xa lánh. Họ muốn Bắc Kinh dừng những hành động leo thang lại nhưng không phải với cái giá là một sự đối đầu trực tiếp.

Trường hợp tệ nhất là Washington và Bắc Kinh sẽ bị cuốn vào một cuộc xung đột vũ trang - Điều mà các nhà hoạch định chính sách của Mỹ luôn muốn tránh.  Với những lý do đó, chiến lược gây sức ép khó có thể thực hiện. Thực tế chỉ có một số ít những chuyên gia an ninh quốc gia có tư tưởng "diều hâu" nhất của Mỹ ủng hộ chiến lược này trong bí mật.

Ngăn chặn

Chiến lược thứ 2 là ngăn chặn. Mục tiêu của "ngăn chặn" là khiến Trung Quốc ngừng sử dụng quân đội hay sức ép để thay đổi hiện trạng Biển Đông và ngăn Bắc Kinh xây dựng hay chiếm thêm các khu vực trên Biển Đông thuộc chủ quyền của các nước khác.

Logic của chiến lược ngăn chặn là: trong khi chiến lược gây sức ép rất nguy hiểm thì bất cứ hành động "tằm ăn rỗi" nào của Bắc Kinh tại Biển Đông là không thể chấp nhận được. Những gì Trung Quốc có thể đạt được tại Biển Đông sẽ làm xói mòn vị thế bá chủ và uy tín của Mỹ trong khu vực, cho phép Bắc Kinh hướng tới việc thống trị của họ trong khu vực.

Biển Đông: Mỹ trước 4 chiến lược ‘cầm chân’ Trung Quốc - ảnh 3 Tàu USS Forth Worth trên Biển Đông.

Chiến lược ngăn chặn có thể để Bắc Kinh giữ hiện trạng ở Biển Đông nhưng vạch ra ranh giới để không có thêm những hành động leo thang. Mỹ sẽ phải đưa ra những cảnh báo rõ ràng và sắc bén chống lại những hành động bành trướng hay gây sức ép của Trung Quốc, với những chính sách cứng rắn bao gồm cả việc sử dụng quân đội để đảm bảo cho những cảnh báo của mình.

Mỹ cần đóng quân gần Biển Đông để có thể đáp trả nhanh chóng khi Bắc Kinh có ý định chiếm đoạt những tài nguyên của các nước khác. Mỹ có thể quyết định đóng quân tại những vùng do đồng minh và đối tác nắm giữ để ngăn những động thái gây hấn của Trung Quốc.

Ngăn chặn là chính sách đối đầu, cứng rắn. Nó ít rủi ro và dễ thực hiện hơn chiến lược gây sức ép bởi vì nó ngăn Trung Quốc không có thêm hành động leo thang chứ không ép buộc Bắc Kinh phải từ bỏ những gì đã có. Tuy nhiên, chiến lược ngăn chặn cũng khó thực hiện, nó có những rủi ro tiềm năng đòi hỏi sự kiên nhẫn và bền bỉ. Khi thực hiện chiến lược ngăn chặn, Washington phải tính toán xem liệu lợi ích ở Biển Đông có xứng đáng để chấp nhận một cuộc chiến.

Bù đắp và trừng phạt

Nếu các lãnh đạo Mỹ không muốn chấp nhận rủi ro của những chiến lược trên, thì giải pháp thứ ba là tập trung vào chiến lược bù đắp và trừng phạt Trung Quốc hơn là ngăn chặn. Mỹ sẽ trả đũa hành động của Trung Quốc tại Biển Đông bằng những cái giá về ngoại giao, kinh tế... Washington cũng phải hành động để tăng vị thế của Mỹ cùng các đồng minh và đối tác.

Chiến lược bù đắp có thể sử dụng các biện pháp như trừng phạt kinh tế với các công ty Trung Quốc dính líu tới việc xây dựng trái phép tại các đảo nhân tạo bồi đắp phi pháp, có những hoạt động gây sức ép, tạm dừng việc mở rộng quan hệ kinh tế như các thỏa thuận đầu tư song phương. Mở rộng quan hệ quốc phòng với Đài Loan và các nước khác trong khu vực. Cùng lúc, Mỹ lợi dụng những khu vực Trung Quốc có hành động leo thang để tiếp tục mở rộng quan hệ quốc phòng và cơ hội để đóng quân tại những nước trong và bên Biển Đông.

Đá Vành Khăn đã bị Trung Quốc bồi lấp, xây đảo nhân tạo trái phép với đường băng, nhà chứa máy bay và các công trình quân sự kiên cố Đá Vành Khăn tại khu vực Trường Sa trên Biển Đông đã bị Trung Quốc bồi lấp, xây đảo nhân tạo trái phép với đường băng, nhà chứa máy bay và các công trình quân sự kiên cố

Chiến lược này sẽ chấp nhận những thua thiệt ngắn hạn với hy vọng sẽ bù đắp bằng những thu hoạch trong thời gian dài. Chiến lược bù đắp cần chính phủ Mỹ sử dụng chính sách ngoại giao đu dây: vừa đủ mạnh mẽ để chứng minh với các quốc gia trong khu vực là Washington nghiêm túc về việc ngăn chặn tham vọng của Trung Quốc nhưng không quá bạo lực khiến cho các đồng minh và đối tác phải e ngại khi đứng cùng bên.

Như đại sứ lưu động Singapore ông Bilahari nhận định "với các nước Đông Nam Á, "bát súp" của Mỹ luôn luôn quá nóng hoặc quá lạnh. Các nước luôn sợ Mỹ sẽ kéo họ vào những rắc rối khi cạnh tranh hoặc bỏ mặc họ đàm phán với các nước có quyền lực lớn mà không có sự hỗ trợ đầy đủ". Hơn nữa, mặc dù chiến lược bù đắp giảm thiểu viễn cảnh xảy ra một cuộc đối đầu quân sự với Bắc Kinh trong tương lai gần, những trừng phạt đối với Trung Quốc phải đủ khắc nghiệt để có thể ảnh hưởng tới lợi ích dài hạn của Bắc Kinh bởi chiến lược này sẽ không lập tức ngăn chặn sự leo thang của Trung Quốc. Vì vậy, mặc dù chiến lược bù đắp có vài điểm tiến bộ nó vẫn đầy khó khăn để thực hiện.

Hòa giải

Trái ngược với 3 chiến lược đầu, mục đích của chiến lược hòa giải không phải để ngăn thói quen gây mất ổn định khu vực của Bắc Kinh hay để giữ vị thế thống trị trong Biển Đông và khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Mục đích chính của chiến lược này là tránh xung đột với Trung Quốc tại Biển Đông, giữ đủ nguồn lực cần thiết để cạnh tranh có hiệu quả.

Mỹ cần đơn phương nhượng bộ để hạ nhiệt ở Biển Đông. Chiến lược này tránh mọi thách thức về quân sự, ngoại giao hay pháp lý với các hoạt động của Trung Quốc, mặc Bắc Kinh có những hành động xây dựng trái phép, quân sự hóa hay uy hiếp những người "hàng xóm". Mỹ phải dừng chiến dịch tuần tra bảo vệ tự do hàng hải (FONOP), hạn chế sự hiện diện quân sự và các cuộc tập trận.

Biển Đông: Mỹ trước 4 chiến lược ‘cầm chân’ Trung Quốc - ảnh 5 Tàu cao tốc hải quân Mỹ.

Tiền đề của chiến lược này là việc không thể ngăn chặn sự thống trị của Trung Quốc tại Biển Đông. Trung Quốc đã kiểm soát rất nhiều vùng trong khu vực và Washington có rất ít khả năng đe dọa hay gây chiến để ngừng những hành động leo thang của Bắc Kinh. Thay vì biến những bãi cạn đang bị tranh chấp trên Biển Đông thành một Tây Berlin của thế kỷ 21, Mỹ phải chấp nhận sự leo thang của Trung Quốc là không thể tránh được và Biển Đông sẽ biến thành "ao nhà" của Trung Quốc. Chiến lược này sẽ hoàn toàn nhường Biển Đông cho Bắc Kinh và Washington có rất ít khả năng để giữ lại những lợi ích và các cam kết trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.

Một chiến lược liên hợp

Cả hai chiến lược gây sức ép và hòa giải đều là điều chính quyền của ông Trump không muốn. Chiến lược gây sức ép có sức hấp dẫn lớn nhưng nó đòi hỏi Washington phải chấp nhận rủi ro và trả giá ở mức cao. Thực tế, việc "gây sức ép" sẽ đòi hỏi Washington chấp nhận nhiều rủi ro hơn các đồng minh và đối tác của Mỹ phải chấp nhận, và gây nguy hiểm cho rất nhiều các mối quan hệ mà đáng ra chiến lược này phải bảo vệ.

Ngược lại, chiến lược hòa giải sẽ gây hậu quả là Mỹ phải nhường phần lớn Đông Nam Á rơi vào ảnh hưởng của Trung Quốc. Đây sẽ là thảm họa về mặt chiến lược đối với Mỹ dưới bất cứ chính quyền nào, ngay cả những chính quyền tuyên bố chấp nhận những chính sách mạnh mẽ của Trung Quốc thì một sự nhân nhượng vô nguyên tắc như vậy chắc chắn cũng không được đồng ý.

Như vậy chỉ còn hai chiến lược khả thi: ngăn chặn và bù đắp với các hành động của Trung Quốc trên Biển Đông. Chiến lược ngăn chặn hứa hẹn sẽ thay đổi hành vi thông qua việc răn đe chứ không phải là cưỡng chế. Nhưng ngăn chặn sẽ vẫn chứa những rủi ro tiềm năng. Một đối thủ mạnh mẽ với chủ nghĩa cơ hội sẽ tìm ra vô số cơ hội để thách thức Mỹ trong những năm tới.

Chiến lược bù đắp sẽ giúp tránh được những cuộc xung đột trong tương lai gần trong khi tập trung các lãnh đạo Mỹ vào một mục tiêu lâu dài bắt Trung Quốc phải trả giá nhiều hơn và củng cố cán cân quyền lực của các nước trong khu vực để chống lại Bắc Kinh. Nhưng rất khó thực hiện chính xác chiến lược bù đắp. Những rủi ro do chiến lược này gây ra cho phép Trung Quốc có những bước tiến để thay đổi hiện trạng trong khu vực và hủy hoại uy tín của Mỹ với các bạn bè và đối thủ. Ngăn chặn và bù đắp là hai chiến lược khả thi nhưng không lựa chọn nào có thể đứng vững một mình.

Viễn cảnh tốt nhất cho các nhà hoạch định chính sách Mỹ là kết hợp những khía cạnh khả thi nhất của 2 chiến lược: bù đắp và ngăn chặn, trong khi loại bỏ những nguy cơ tiềm tàng của chúng. Đặc biệt, Mỹ cần ngăn chặn các hoạt động gây mất ổn định trong khi bù đắp và trừng phạt Trung Quốc ít hơn.

Theo Defense One, những yếu tố ngăn chặn của chiến lược liên hợp sẽ chứng minh Mỹ chấp nhận những rủi ro ngắn hạn bao gồm cả về quân sự để ngăn chặn Trung Quốc đe dọa các nước trong khu vực và củng cố việc kiểm soát các vùng tài nguyên trên Biển Đông. Mỹ đã từng thể hiện điều đó khi họ vạch rõ những ranh giới và có những đe dọa đáng tin cậy là họ có thể ngăn những nỗ lực Trung Quốc tuyên bố chủ quyền phi pháp với các bãi cạn (năm 2014) và xây dựng trên những vùng đang tranh chấp (2016). Nếu các lãnh đạo Mỹ đang muốn định rõ các mối nguy hại và đảo ngược những rủi ro với những hoạt động kinh tế, quân sự và trừng phạt ngoại giao tiềm năng, họ có thể giảm những hành động leo thang của Trung QUốc bằng cách ngăn Bắc Kinh chiếm hay tuyên bố chủ quyền phi pháp với các tài nguyên trên Biển Đông.

Những yếu tố bù đắp của chiến lược liên hợp là: tìm cách làm cho Trung Quốc phải trả giá trong dài hạn khi họ có những leo thang trong ngắn hạn. Nhưng chưa có chính sách ngăn chặn nào của Mỹ cản Bắc Kinh sử dụng lực lượng dân quân biển quấy rối tàu chiến của các nước khác, vi phạm quyết định của Tòa Trọng tài quốc tế năm 2016 và quân sự hóa các đảo nhân tạo xây dựng trái phép trên Biển Đông hay tuyên bố thiết lập vùng nhận dạng phòng không trên Biển Đông.

Mỹ không muốn chiến tranh hay thậm chí không đe dọa gây chiến để đáp trả những hành động thách thức của Trung Quốc trong khu vực và Bắc Kinh rất hiểu điều đó. Lãnh đạo Mỹ có rất ít lựa chọn ngoài việc áp dụng các trừng phạt kinh tế và ngoại giao với Bắc Kinh để đáp trả các hành động của Trung Quốc. Trong khi chính sách bù đắp đang đạt được lợi ích bằng cách tăng sự hiện diện của quân đội Mỹ trong khu vực và tìm cách để hỗ trợ những nước trong khu vực với những cam kết sâu hơn và những chính sách cứng rắn hơn với Trung Quốc.

Cũng chưa có gì đảm bảo chiến lược liên hợp sẽ thành công. Nhưng các nhà hoạch định chính sách Mỹ cần nhận ra đây là một giải pháp khả thi đối phó với những thách thức của Trung Quốc ở Biển Đông. Chiến lược liên hợp giữa việc ngăn chặn và bù đắp sẽ vẫn chứa những điểm bất cập của từng chiến lược riêng lẻ. Hiện tại, nó sẽ không làm giảm những gì Trung Quốc đã đạt được về quân sự - địa chính trị và nó cũng không thể loại bỏ hoàn toàn các hành động leo thang và uy hiếp của Bắc Kinh trong khu vực. Hơn nữa, chiến lược này hiện càng khó thực hiện hơn khi quyền lực của Trung Quốc đang ngày càng lớn mạnh.

Thực tế, dù Mỹ chỉ thực hiện những yếu tố rất nhỏ trong chiến lược này, họ vẫn phải chịu rủi ro lớn hơn, với cái giá cao hơn và bắt buộc phải áp dụng nhiều lệnh trừng phạt với Trung Quốc hơn là họ muốn. Một chiến lược liên hợp giữa việc ngăn chặn và bù đắp sẽ không giúp các nhà hoạch định chính sách Mỹ loại bỏ những cơn khủng hoảng nguy hiểm và lâm vào tình thế tiến thoái lưỡng nan dù đây là chiến lược tốt nhất để Mỹ giữ được những lợi ích chính của mình tại Biển Đông.

Trong nhiều năm, Mỹ đã không có một chính sách rõ ràng hay nhất quán tại Biển Đông. Nếu chính quyền của ông Trump thật sự nghiêm túc với cam kết "sẽ sử dụng hết nguồn lực quốc gia để đảm bảo cho những khu vực ở trên thế giới không bị thống trị bởi một quyền lực đơn lẻ nào", thì hiện tại là thời điểm cân nhắc kỹ lưỡng về chiến lược này. Theo nhiều phân tích thì một chiến lược liên hợp lại những yếu tố thuyết phục nhất của việc ngăn chặn và bù đắp là giải pháp tốt nhất để bảo vệ những lợi ích của Mỹ với cái giá chấp nhận được để có thể đảo ngược hiện trạng ở Biển Đông.

Tiệp Nguyễn

https://viettimes.vn/bien-dong-my-truoc-4-chien-luoc-cam-chan-trung-quoc-151569.html


Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Lá chắn Mỹ "bó tay" trước tên lửa Triều Tiên?

Tin chắc Nga sa lầy Syria, Mỹ nuốt giận nhìn Mátxcơva khải hoàn chiến thắng

Kích Ukraine "tất tay" với Nga, Mỹ thúc đẩy cấp tên lửa Javenlin