Giật mình trước uy lực quân đội Triều Tiên (I)



VietTimes -- Triều Tiên đã bước lên một nấc thang mới trong việc chế tạo các vũ khí hủy diệt và hiện đại hóa đội quân chính quy vốn đã rất lớn. Dưới đây là những nghiên cứu của các chuyên gia thế giới về thực lực của quân đội Triều Tiên.


Mỹ và các đồng minh châu Á coi Triều Tiên là mối đe dọa nghiêm trọng. Họ có đội quân chính quy lớn nhất châu Á, kết hợp với sự leo thang gây hấn bằng những vụ thử vũ khí hạt nhân, tên lửa đang tạo nên sự lo ngại trên toàn cầu. Các quyền lực trên thế giới đã thất bại trong việc làm chậm lại con đường Triều Tiên sở hữu vũ khí hạt nhân. Lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong-Un thì coi chương trình hạt nhân là phương tiện để giữ vững được chế độ.

Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, trong khi là một nước nằm trong danh sách những nước nghèo nhất thế giới, Triều Tiên dành tới gần 1/4 GDP cho quân sự. Chính sách "bên miệng hố chiến tranh" của Triều Tiên tiếp tục thử thách an ninh và ổn định của khu vực và các đồng minh quốc tế.

Giật mình trước uy lực quân đội Triều Tiên (I) - ảnh 1 Hwasong - 15 là tên lửa đạn đạo liên lục địa mới nhất của Triều Tiên


Thực lực hạt nhân của Triều Tiên ra sao?


Triều Tiên thử rất nhiều các loại tên lửa bao gồm tầm ngắn, tầm trung, tầm xa và tầm liên lục địa, đồng thời cả tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm. Nhiều chuyên gia dự đoán Bình Nhưỡng có từ 15-20 vũ khí hạt nhân. Trong khi, tình báo Mỹ tin rằng số lượng này là khoảng từ 30-60 quả bom. Vào tháng 7 và tháng 11.2017, Triều Tiên đã thử thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa, mỗi tên lửa đều có khả năng mang đầu đạn hạt nhân lớn.

Sau vụ thử Hwasong-15, Bình Nhưỡng thông tin tên lửa mới của họ có thể đạt độ cao lên tới 4.475km cao gấp 10 lần Trạm vũ trụ Quốc tế và bay 1.000km trước khi rơi xuống vùng biển Nhật Bản. Các nhà nghiên cứu dự đoán Hwasong-15 có tầm bắn lên tới 13.000km và nếu nó bắn theo quỹ đạo thẳng thì có thể chạm tới bất cứ mục tiêu nào trên đất Mỹ.

Các nhà nghiên cứu Mỹ và các chuyên gia từ các nước khác vẫn tranh cãi về trọng tải đầu đạn mà tên lửa đạn đạo của Triều Tiên có thể mang, cùng khả năng tên lửa quay lại quỹ đạo phóng đã định sẵn. Một nguồn tin tình báo bí mật của Mỹ vào tháng 07.2017 kết luận, Triều Tiên đã phát triển kỹ thuật thu nhỏ lại đầu đạn hạt nhân để lắp vừa tên lửa. Vài chuyên gia cảnh báo rằng chỉ còn là vấn đề thời gian trước khi Triều Tiên hoàn tất lực lượng hạt nhân. "Chúng ta phải học cách sống chung với một nước Triều Tiên có khả năng tấn công Mỹ với vũ khí hạt nhân", Jeffrey Lewis thuộc Viện nghiên cứu chiến lược Middlebury cho biết.

Giật mình trước uy lực quân đội Triều Tiên (I) - ảnh 2 Các loại tên lửa Triều Tiên


Triều Tiên đã tiến hành 6 vụ thử hạt nhân, vụ đầu tiên vào tháng 10.2006 và tiếp theo đó là tháng 5.2009 dưới thời của nhà lãnh đạo Kim Jong-il. Tiếp theo, dưới thời ông Kim Jong-Un diễn ra 4 vụ thử vào: tháng 2.2013, tháng 1 và tháng 9.2016 và tháng 09.2017. Những vụ thử tiếp theo trong tương lai chắc chắn sẽ xảy ra.  Ngoài ra, Triều Tiên đã sở hữu phương pháp làm giàu uranium và plutonium (thành phần chính của các vũ khí hạt nhân) ở mức có thể chế tạo bom.




Báo cáo của Tổ chức Sáng kiến giải quyết mối đe dọa hạt nhân (Nuclear Threat Initiative – NTI, một tổ chức phi chính phủ đặt trụ sở tại Washington, Mỹ) viết: Cường độ của vụ nổ hạt nhân ngày càng lớn hơn sau mỗi vụ thử. Năm 2006, là vụ nổ bom plutonium có đương lượng nổ 2 kiloton (sức công phá tương đương 2 nghìn tấn thuốc nổ TNT). Vụ thử 2009 có đương lượng nổ 8 kiloton. Vụ thử 2013 và 2016 có sức công phá khoảng 17 kiloton. Vụ thử năm 2016 có sức công phá 35 kiloton. Để so sánh thì quả bom nguyên tử đầu tiên mà Mỹ thả xuống Hiroshima năm 1945 có sức công phá khoảng 16 kiloton.
Giật mình trước uy lực quân đội Triều Tiên (I) - ảnh 3

Theo ý kiến của một số chuyên gia thì vụ thử hạt nhân vào 3.9.2017 có độ lớn đáng e ngại và có thể xác định rằng Triều Tiên đã phát triển được kỹ thuật chế tạo bom mạnh hơn rất nhiều. Dựa trên cường độ địa chấn, các báo cáo đánh giá vụ thử mới nhất có đương lượng nổ vượt qua 100 kiloton. Một vụ nổ với sức công phá như vậy cho phép người ta tin tưởng tuyên bố của Triều Tiên là đã phát trển thành công bom Hydro (bom nhiệt hạch).

Với sức công phá ngày càng tăng của các vụ thử, cả 2 chương trình thử nghiệm tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên đều đang có bước tiến triển. Dưới thời ông Kim Jong-Un (bắt đầu lãnh đạo Triều Tiên từ cuối năm 2011), chương trình hạ nhân có những bước tiến lớn. Song song với 4 vụ thử hạt nhân, là 80 vụ thử tên lửa, hơn nhiều so với thời Kim Nhật Thành và Kim Jong-il.

Vẫn còn nhiều nghi ngờ về độ chính xác của tên lửa đạn đạo Triều Tiên. Nhiều chuyên gia quan sát cho rằng những tên lửa này không chính xác bởi hệ thống dẫn đường cũ kĩ mà Triều Tiên thừa kế từ Liên Xô. Nhưng nhiều người lại nói rằng Triều Tiên đã bắt đầu sử dụng hệ thống dẫn đường bằng GPS (hệ thống định vị toàn cầu), gần giống hệ thống điều hướng của Trung Quốc. Điều này đặt ra câu hỏi về nguồn gốc của hệ thống dẫn đường tên lửa mới và lý do tên lửa của Triều Tiên ngày càng chính xác hơn so với trước đây.


Chương trình hạt nhân của Triều Tiên có nhận được sự trợ giúp từ những nước khác?

Theo nhà nghiên cứu Chương trình phòng thủ và tình báo Triều Tiên, Joseph S. Bermudez Jr., dù Triều Tiên chủ yếu phát triển chương trình hạt nhân trong nước nhưng họ cũng nhận được sự giúp đỡ từ bên ngoài trong nhiều năm. Từ cuối thập kỷ 1950-1980, Bình Nhưỡng nhận được sự trợ giúp từ Moscow với lò nghiên cứu phản ứng hạt nhân, các thiết kế tên lửa, lò phản ứng nước nhẹ và nguyên liệu hạt nhân.

Những năm 1970, Trung Quốc và Triều Tiên hợp tác quốc phòng, bao gồm cả phát triển và sản xuất tên lửa đạn đạo. Những nhà khoa học Triều Tiên cũng nhận được lợi ích từ các cuộc trao đổi học thuật với Liên Xô và Trung Quốc. Dù những trao đổi này có thể không liên quan tới việc phát triển vũ khí thì các thông tin họ học được từ các cuộc chia sẻ kiến thức và các cơ sở hạt nhân có thể áp dụng cho một chương trình hạt nhân quân sự .


Giật mình trước uy lực quân đội Triều Tiên (I) - ảnh 4 Tên lửa đạn đạo Shaheen III của Pakistan.


Pakistan nổi lên là một đồng minh quân sự quan trọng với Triều Tiên những năm 1970. Sự trợ giúp song phương về hạt nhân bắt đầu khi các nhà khoa học của hai nước làm việc trong chương trình tên lửa đạn đạo tại Iran vào thời gian xảy ra cuộc chiến Iran-Iraq (1980-1988). Những năm 1990, Triều Tiên nhận được công nghệ chế tạo máy ly tâm và thiết kế từ nhà khoa học Abdul Qadeer Khan, người chịu trách nhiệm quân sự hóa chương trình hạt nhân của Pakistan.

Bình Nhưỡng cũng nhận được thiết kế đầu đạn hạt nhân Uranium từ Pakistan. Đổi lại, Pakistan nhận được công nghệ tên lửa của Triều Tiên. Điều còn chưa thực sự sáng tỏ là Khan liên quan trực tiếp hay gián tiếp với chính phủ Pakistan vì ông có một mạng lưới đa quốc gia chuyên buôn bán công nghệ và nguyên liệu hạt nhân trái phép cho các nước, bao gồm cả Iran và Libya. Những kiến thức về hạt nhân nhận được từ Pakistan đã cho phép Triều Tiên làm giàu Uranium dùng cho bom hạt nhân và vận hành máy ly tâm.

Cũng theo Bermudez, những bên thứ ba cũng tạo điều kiện cho chương trình của Bình Nhưỡng thông qua việc vận chuyển trái phép các thành phần kim loại cần thiết để chế tạo máy ly tâm và hạt nhân hóa vũ khí. Triều Tiên đã phát triển những mạng lưới ngầm để mua công nghệ vật liệu và các thiết kế để đẩy mạnh chương trình vũ khí hạt nhân từ những năm 1960. Qua nhiều năm, mạng lưới của Triều Tiên đã vận chuyển hàng tập trung từ châu Âu tới châu Á và châu Phi. Những chuyến hàng thường được mua đi bán lại rất nhiều lần cho đến khi tới tay Triều Tiên.

Triều Tiên phải đối mặt với những lệnh trừng phạt nào?

Việc Triều Tiên rút khỏi Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) năm 2003, cùng các cuộc thử tên lửa và vụ thử hạt nhân đầu tiên vào năm 2006 đã thúc đẩy Hội đồng An ninh Liên Hợp Quốc thống nhất nghị quyết trừng phạt Triều Tiên. Qua đó, hy vọng sẽ thay đổi quan điểm của Bình Nhưỡng. Các biện pháp trừng phạt quốc tế được gia tăng bao gồm: cấm buôn bán các vật liệu và kỹ thuật có thể giúp Triều Tiên phát triển chương trình tên lửa đạn đạo và vũ khí hạt nhân, những nguồn tài chính trợ giúp cho các chương trình này và cấm buôn bán vũ khí. Lệnh cấm vận cũng bao gồm cả việc cấm các sản phẩm xa xỉ và giao dịch thương mại nước ngoài, đồng thời gia tăng điều tra các chuyến hàng hóa ở biên giới Triều Tiên.

Những lệnh trừng phạt có thể giới hạn Triều Tiên tiếp cận với các vật liệu nhưng rất khó để kiểm soát tất cả các chuyến hàng quốc tế tới Triều Tiên. Thường xuyên, có những hối thúc để hạn chế nguồn tài chính của Triều Tiên với nỗ lực ngăn chặn nguồn tiền trực tiếp cho quân sự và phát triển hạt nhân. Nhiều chuyên gia và các ủy viên LHQ chỉ trích Trung Quốc vì trước đây đã trợ giúp Triều Tiên trong chương trình tên lửa đạn đạo và có mối quan hệ giao thương với nước này và không thực hiện lệnh trừng phạt một cách triệt để.

Ngoài ra, Triều Tiên được ghi nhận là có bán tên lửa và trao đổi công nghệ hạt nhân với các nước như Iran, Libya, Syria, Ai Cập, Yemen, Myanmar và Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất. Có sự vận chuyển bí mật "các thiết bị hạt nhân, tên lửa đạn đạo, phương thức sản xuất và kỹ thuật". Sự ràng buộc của việc mua bán này với nền kinh tế Triều Tiên tạo ra nỗi lo về việc: nhiều vật liệu hạt nhân và công nghệ có thể bị bán ra chợ đen tạo khả năng tiềm tàng cho khủng bố bằng hạt nhân.


(còn tiếp)

Tiệp Nguyễn

https://viettimes.vn/giat-minh-truoc-uy-luc-quan-doi-trieu-tien-i-148736.html


Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Nga "che ô" tên lửa cho Mátxcơva thế nào (video)

“Hổ Syria” tung đòn đè bẹp IS, đoạt thêm 2 cứ địa bờ đông Euphrates

Nga khiến Mỹ-NATO choáng, thay đổi ván cờ quyền lực thế giới