Nga ra đòn cứu Syria, ‘ngáng chân’ Mỹ tổn thất thế nào


VietTimes -- Trong 2 năm chiến đấu tại Syria, Nga chỉ thương vong 41 người và mất 3 máy bay. Trong khi đó, họ đã triệt hạ được 53.700 tên khủng bố.

Giai đoạn nóng trong chiến dịch quân sự của Nga tại Syria đã kết thúc. Ngày 21.11, tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc gặp với người đồng cấp Bashar al-Assad đã tuyên bố hoạt động chống khủng bố tại Syria đã tới hồi kết và tập trung chuyển sang giai đoạn chính trị.

Tổng thống Nga ra lệnh rút một bộ phận quân Nga khỏi Syria trong chuyến thăm nước này vào 11.12. Hiện tại là thời điểm sử dụng các biện pháp ngoại giao để đàm phán chứ không phải bạo lực.

Chiến thắng của Nga tại Syria là một trong những sự kiện chính của thế kỷ này và có thể là ví dụ duy nhất cho thành công của một chiến dịch quân sự đạt được trong một khoảng thời gian ngắn với những kết quả tuyệt đối, mở đường cho tiến trình đàm phán.

Khi Nga bắt đầu chiến dịch vào tháng 9.2015 thì tổng thống Bashar al-Assad đang bên bờ vực sụp đổ, quân đội của ông đang thua trên mọi mặt trận. Đã có những dự đoán là Nga sẽ sa lầy vào một cuộc xung đột lâu dài, sẽ tiêu tốn nguồn lực mà không đạt được kết quả gì. Rất nhiều người tin rằng quân đội Nga không có khả năng duy trì việc triển khai lâu dài ở nước ngoài. Những dự đoán đó đã sai.

Chiến dịch của Nga hoàn toàn thành công. Không giống như Afghanishtan, Syria hoàn toàn không phải là bãi lầy với Nga. Những nhà tiên tri đã sai. Chính phủ Syria trở nên mạnh hơn với quyền lực vững chắc hơn. IS thất bại thảm hại và những lực lượng nổi dậy Jihad chỉ còn kiểm soát một phần tỉnh Idlib đang mất dần ảnh hưởng.

Nga ra đòn cứu Syria, ‘ngáng chân’ Mỹ tổn thất thế nào - ảnh 1 Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Syria Bashar al-Assad.

Chiến thắng đạt được với một lực lượng rất hạn chế. Không có sự triển khai quân nào đáng chú ý của Nga. Thương vong ở mức nhỏ nhất: 41 người trong 2 năm. Lực lượng không quân được ước tính vào khoảng 30-50 máy bay chiến đấu và 16-40 máy bay trực thăng. Không quân có cường độ hoạt động rất cao trong giai đoạn nóng - khoảng 100 lần xuất kích với 250 vụ tấn công.

Cuối tháng 9, không quân Nga xuất kích 30.650 lần tại Syria, tấn công 92.000 lần vào 96.800 mục tiêu khủng bố. 53.700 tên khủng bố bị triệt hạ. Và Nga chỉ mất đúng ba chiếc máy bay. Trong đó 1 chiếc bị máy bay Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ, 2 chiếc còn lại là Su-33 và MiG-29K bị tai nạn chứ không phải bị hạ bởi kẻ thù. Máy bay không người lái của Nga xuất kích 15.000 lần.

Nga sử dụng những lực lượng đặc biệt từ khi bắt đầu tham chiến tại Syria. Họ không chỉ hoạt động trên không với những vụ tấn công bằng tên lửa mà còn giáp mặt trực tiếp với những tay khủng bố. Hàng ngày, quân đội Nga cũng được tiếp tế đầy đủ qua không vận và những chuyến tàu cập cảng Tartus và Latakia tại Địa Trung Hải. Kết quả là, đội quân khủng bố bị cắt những nguồn viện trợ. Tài chính từ những vụ buôn bán dầu phi pháp cũng bị chặn lại.
Nga ra đòn cứu Syria, ‘ngáng chân’ Mỹ tổn thất thế nào - ảnh 2 Máy bay tiêm kích Su-35.

Huấn luyện của các cố vấn Nga cũng nâng cao khả năng chuyên nghiệp của toàn thể quân đội Syria, giúp lực lượng chính phủ này giành từng chiến thắng một. Đội quân hỗ trợ và các binh sĩ đặc nhiệm của Nga thường kết hợp với những đội quân Syria trong các trận chiến. Các sĩ quan cấp cao và các tướng Nga chia sẻ kinh nghiệm và chuyên môn, huấn luyện, cố vấn và trợ giúp trong các nhiệm vụ thường đưa quân Syria tới những chiến thắng. Sư đoàn tình nguyện chiến đấu số 5 - đạo quân tác chiến chính của quân đội Syria được các sĩ quan Nga tuyển mộ và lựa chọn cẩn thận và được trang bị vũ khí của Nga.

Hầu hết các sĩ quan chỉ huy cao cấp của Nga nhận được những kinh nghiệm tác chiến tại Syria. Rất nhiều người học được cách chỉ huy tác chiến liên hợp và tổ chức các hoạt động nhân đạo. Tháng 9.2017, 86% lực lượng không quân đạt được kinh nghiệm chiến đấu, bao gồm phi công lực lượng máy bay tác chiến tầm xa: 75%, phi công máy bay chiến thuật: 79%, phi công vận tải quân sự: 88%. 89% phi công của quân đội Nga đã phục vụ tại Syria.

Chiến trường Syria là nơi Nga thử nghiệm các hệ thống vũ khí và rất nhiều trong số chúng được chào bán cho các nước khác. Lực lượng không quân sử dụng máy bay tiêm kích Su-24M và Su-25; máy bay ném bom Su-34; máy bay ném bom chiến lược tầm xa Tu-22M3, Tu-160 và Tu-95; máy bay đa năng Su-27SM, Su-30SM và Su-35S; máy bay đánh chặn MiG-31; trực thăng chiến đấu Mi-8, Mi-24, Mi-28N, Ka-52; máy bay cảnh báo sớm trên không A-50; Máy bay trinh sát Tu-214R; Máy bay do thám và tác chiến điện tử Il-20M1. Nga đã thử hơn 160 loại vũ khí tại Syria và chỉ 10 trong số chúng hoạt động dưới mức kỳ vọng.

Máy bay Nga sử dụng hệ thống máy tính phụ đặc biệt SVP-24 để nâng cao độ chính xác trong những lần tác chiến. Hệ thống phụ này được triển khai trên máy bay Tu-22M, Su-24M và Su-25. SVP-24 sử dụng hệ thống định vị vệ tinh GLONASS để đối chiếu khoảng cách vị trí giữa máy bay và mục tiêu.

Hệ thống này đo được những thông số về môi trường và nhận thông tin từ những liên kết dữ liệu rồi tính toán tốc độ, độ cao và hướng để quả bom trọng trường sẽ tự rơi vào thời điểm thích hợp nhất. Ngay cả khi GLONASS bị nhiễu, những cảm biến cũng cho phép máy tính đưa ra giải pháp về mục tiêu. Kết quả, quả bom trọng trường (vốn được thả rơi tự do) tấn công mục tiêu giống như các loại vũ khí hiện đại có định vị.

Những bài học từ chiến dịch quân sự tại Syria sẽ được tập hợp lại. Chiến dịch cho thấy những loại máy bay tiên tiến của Nga như Su-34, Su-35S và Su-30SM cần chỉnh sửa nhỏ ở hệ thống điều khiển và động cơ. Những vấn đề này đã được khắc phục ngay tại chỗ. Hiệu quả của Su-34 khi sử dụng các loại vũ khí như bom KAB-500S định vị GLONASS và tên lửa điều khiển như Kh-25ML và Kh-29L ấn tượng tới mức người ta nói cần phải trao thưởng cho Sergei Smirnov - giám đốc của Hiệp hội chế tạo máy bay Novosibirsk.

Những chiếc máy bay trực thăng Mi-24P cũng được kết hợp để oanh tạc những vị trí của kẻ thù ở tầm thấp trong khi bắn pháo sáng để tránh tên lửa đất đối không vác vai. Su-35s đã được bán rất chạy. Trung Quốc mua 24 chiếc vào tháng 11.2015. Indonesia mua 10 chiếc vào 4.2016. Các Tiểu Vương quốc Ả rập thống nhất mua 10 chiếc vào tháng 3.

Tên lửa không đối đất mới nhất của Nga Kh-101, vũ khí hiện đại nhất với độ chính xác và công suất cao với tầm bắn xa 4.500km đã cho thấy có độ tin cậy rất cao. Chúng được bắn từ máy bay ném bom chiến thuật Tu-95 và Tu-160. Khả năng bắn tên lửa từ tàu và máy bay cho thấy Nga không còn cần dựa vào vũ khí hạt nhân.

Nga ra đòn cứu Syria, ‘ngáng chân’ Mỹ tổn thất thế nào - ảnh 3 Tên lửa không đối đất Kh-101.

Trong những loại vũ khí phức tạp mà Nga sử dụng tại Syria, tên lửa hành trình phóng từ chiến hạm Kalibr được bắn từ những phương tiện trên mặt nước hoặc dưới nước chống lại các mục tiêu trên bộ với khoảng cách hơn 1.500km đang nhận được rất nhiều sự quan tâm. Những tàu khu trục, tàu hộ tống và tàu ngầm tại biển Địa Trung Hải cùng 4 tàu ngầm tại biển Caspia là những phương tiện đã sử dụng tên lửa này.

Tên lửa được bắn từ hệ thống ống phóng tên lửa thẳng đứng (VLS) từ các tàu chiến trên mặt nước và ống phóng ngư lôi trên tàu ngầm đều rất "mượt". Không nghi ngờ việc sử dụng tên lửa Kalibr trong chiến dịch tại Syria sẽ làm tăng khả năng xuất khẩu mặt hàng này.

Đạn pháo dẫn đường Krasnopol 152-mm cũng được sử dụng tại Syria. Đạn này có tầm bắn lên tới 30km. Nó được bắn phần lớn từ các loại lựu pháo tự động như 2S3 Akatsiya và 2S19 Msta-S để chống lại các mục tiêu như xe tăng, pháo và các chốt kháng cự. Đạn Krasnopol được dẫn đường bằng máy laser, khi đạn bay ở giai đoạn cuối, bộ phận tự dẫn của Krasnopol sẽ tìm kiếm nguồn phát xung laser và định hướng bay, quá trình thay đổi quỹ đạo đường đạn được thực hiện bằng các cánh ổn định. Xác suất một đạn tự dẫn laser đánh trúng mục tiêu là 90% biến nó thành một vũ khí hoàn hảo trong các trận chiến tại đô thị.

Nga ra đòn cứu Syria, ‘ngáng chân’ Mỹ tổn thất thế nào - ảnh 4 Xe tăng T-90 sau khi bị tên lửa chống tăng TOW tấn công.

Xe tăng T-90 đã chứng minh được hiệu năng cao. Nó vẫn tác chiến tốt sau khi bị khủng bố tấn công bằng tên lửa chống tăng TOW. Xe thiết giáp 15Ts56M BPDM hoặc Typhoom-M chống mìn có thể hoạt động trên nhiều địa hình để vận chuyển hàng hóa hoặc quân tới nơi cần thiết với vận tốc lên tới 110km/h. Những kinh nghiệm tại Syria cho thấy nó có thể chịu được những quả đạn rocket phóng trực tiếp. Nó cũng rất hoàn hảo để thực hiện các hoạt động nhân đạo.

Chiến dịch tại Syria thiếu vắng những tàu đổ bộ lớn. Pháp đã từ chối thực hiện hợp đồng bán cho Nga hai tàu đổ bộ lớp Mistral vì áp lực của Mỹ muốn trừng phạt Moscow sau khi Nga sáp nhập Crimea. Nga đã tự đương đầu với vấn đề này. Tàu đổ bộ tấn công Ivan Gren đã qua những thử nghiệm cuối cùng trước khi tham gia phục vụ Hải quân Nga. Đó là cách Nga biến những bài học phương Tây thành thành công.
Nga ra đòn cứu Syria, ‘ngáng chân’ Mỹ tổn thất thế nào - ảnh 5 Ông Putin và phi công Nga.

Những kinh nghiệm và bài học về việc sử dụng không lực, kỹ thuật tân tiến và các chiến dịch đặc biệt sẽ quyết định các kế hoạch quân sự của Nga trong nhiều năm tới. Chiến dịch của Nga đã hoàn toàn thay đổi tình thế tại Syria. Nó đã cướp đi phần lớn thu nhập của khủng bố, làm suy yếu khả năng của chúng trong việc tuyển mộ lính mới, mua vũ khí và gieo rắc tư tưởng Jihad. Thành công đã tạo điều kiện để Nga xúc tiến việc ngừng bắn giữa chính phủ Syria và các nhóm đối lập "ôn hòa".

Chiến trường đã đổi thành những khu vực giảm leo thang được đề xuất bởi Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran trong quá trình đàm phán hòa bình Astana. Người Syria lại có hy vọng có lại được cuộc sống bình thường. Moscow chuyển sang thành người điều đình để làm dịu đi mối bất hòa giữa các bên liên quan tới cuộc xung đột Syria. Nga sẽ tổ chức Hội nghị đối thoại dân tộc Syria với tất cả các đảng phái trong xung đột Syria.

Chiến dịch quân sự tại Syria đã một lần nữa khẳng định Nga là một siêu cường trên thế giới có khả năng triển khai quân sự xa biên giới của họ. Dấu ấn của chiến dịch quân sự đã biến Nga thành "nhà cái" tại vùng Trung Đông. Nga đã chứng tỏ khả năng để đàm phán với các tay chơi chính như Iran, Ả rập Xê-út các hoàng gia vùng vịnh khác, Thổ Nhĩ Kỳ, Iraq, Jordan... Vào tháng 10, vua Ả rập đã tới thăm Moscow. Còn Cairo thì đã đồng ý để máy bay Nga sử dụng các căn cứ không quân Ai Cập. Hai nước Nga và Ai Cập hiện đang lo lắng về tình hình mất ổn định tại Libya.

Vị thế mạnh mẽ của Nga trong khu vực đã được chứng minh vào ngày 11.12 sau chuyến thăm chớp nhoáng của ông Putin tới Syria, Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ. Chiến thắng tại Syria, Nga được coi là một nước thực dụng, khôn khéo, nghiêm túc và dứt khoát,  có thể giải quyết các vấn đề trong khu vực bằng cả ngoại giao và quân sự.

Tiệp Nguyễn

https://viettimes.vn/nga-ra-don-cuu-syria-ngang-chan-my-ton-that-the-nao-150687.html




Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Lá chắn Mỹ "bó tay" trước tên lửa Triều Tiên?

Tin chắc Nga sa lầy Syria, Mỹ nuốt giận nhìn Mátxcơva khải hoàn chiến thắng

Kích Ukraine "tất tay" với Nga, Mỹ thúc đẩy cấp tên lửa Javenlin